THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

17 December 2012

Việt Nam Tuần Qua

Việt Nam Tuần Qua

RFA 16.12.2012

Biểu tình và trấn áp biểu tình chống Trung Quốc, kinh tế Việt Nam bước vào một khúc quanh mới giữa lúc quốc tế khuyến cáo Việt Nam cần phải cải tổ hệ thống ngân hàng trước tình trạng nợ xấu ngày càng gia tăng…


Photo: Nguyen Huy Kham
Biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội sáng 09/12/2012.

Biểu tình chống TQ ngày 9/12

Phẫn nộ trước các hành động ngang ngược của Trung Quốc, hôm Chủ nhật 9 tháng 12 vừa rồi, hàng trăm người Việt Nam yêu nước đã cùng nhau xuống đường tuần hành tại Hà Nội và Sài Gòn, phản đối việc Trung Quốc ngày càng gia tăng các tham vọng lấn chiếm biển đảo của Việt Nam, từ chuyện cho in bản đồ “lưỡi bò” và hộ chiếu công dân, đến việc đưa tàu vào thềm lục địa Việt Nam, cắt cáp thăm dò dầu khí của tàu Binh Minh-02.
Tuy nhiên, cũng như mọi lần trước, người biểu tình đã gặp phải sự trấn áp mạnh mẽ của lực lượng công an, cảnh sát cơ động, nhân viên an ninh, dân phòng… đông đảo hơn cả đoàn biểu tình.
Từ Nhà Hát Lớn đi được khoảng chừng 200 mét thì bị an ninh chặn lại vì lực lượng người biểu tình rất ít, còn lực lượng an ninh, dân phòng... thì áp đảo.
Một người biểu tình tại Sài Gòn
Lên tiếng trên Đài Á Châu Tự Do, anh Nguyễn Lân Thắng, một người trẻ tham gia cuộc biểu tình ở Hà Nội cho biết:
“Rất đông người tham gia nhưng khi cuộc biểu tình bắt đầu thì số người ở vị trí biểu tình chỉ hơn 100 người. Khi đến ngã tư Quán Sứ trên đường Tràng Thi thì có một lực lượng an ninh rất lớn đã rượt bắt người biểu tình”.
Tại Sài Gòn, thủ thuật trấn áp cũng tương tự, khi nhà cầm quyền cho triển khai một lực lượng an ninh hùng hậu để dồn ép đoàn biểu tình, không cho đến trước Tổng Lãnh Sự Quán Trung Quốc.
“Biểu tình có diễn ra nhưng không được dài. Nói chung có sự đàn áp nhiều quá. Từ Nhà Hát Lớn đi được khoảng chừng 200 mét thì bị an ninh chặn lại vì lực lượng người biểu tình rất ít, còn lực lượng an ninh, dân phòng... thì áp đảo. Những người biểu tình bị rào lại xung quanh và không thể đi ra được.”

Vì sao ngăn chận lòng yêu nước



Công an ra sức trấn áp người biểu tình chống Trung Quốc hôm 09/12/2012 tại Hà Nội. AFP photo

Có lẽ do quá bất bình trước việc chính quyền ngăn chận không cho người dân bày tỏ lòng yêu nước, phản đối ngoại xâm, nhiều nhân sĩ trí thức đã công khai lên tiếng phản đối.
Trả lời của Đài Á Châu Tự Do, Giáo sư Tương Lai, nguyên thành viên ban cố vấn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, thẳn thắng nêu câu hỏi: “Vì sao lại ngăn chặn lòng yêu nước của người dân?”. Ông nói:
“Nhằm đạt mục tiêu ngăn chặn cuộc mít-tinh nên người ta sẵn sàng ứng xử rất thô bạo, dùng một bộ máy bạo lực để trấn áp những người có ý định biểu tỏ ý chí yêu nước, chống giặc ngoại xâm, lên án hành động gây hấn của Nhà cầm quyền Bắc Kinh. Vì sao ngăn chặn lòng yêu nước?”
Tại Hà Nội, công an cũng áp dụng phương cách phong tỏa – chia nhỏ - và trấn áp, như lời Giáo sư Nguyễn Đức Thọ kể lại với RFA:
“Các ngã đường, trong ngỏ nhỏ chúng tôi thì không nói, nhưng mà đi ra ngay ngoài phố Đội Cấn, đi quá một tí xuống dưới gần lăng ông Hồ là bị chặn rồi. Chặn ở đấy là vì gần Đại Sứ Quán Trung Quốc.
Cụ thể là họ phóng ra một lực lượng để chặn các chốt rầm rộ hơn từ xưa tới bây giờ nhiều.”
Báo chí bị cấm đăng tin

Không những ra tay trấn áp các cuộc biểu tình chống Trung Quốc ngay từ lúc khởi phát, chính phủ Việt Nam còn tìm cách ngăn chận báo chí truyền thông loan tải các thông tin liên quan đến việc Bắc Kinh xâm lấn chủ quyền Việt Nam.
Theo các nguồn tin “lề trái”, nhiều tờ báo lớn tại Việt Nam đã bị Ban văn hóa tư tưởng Trung ương “chỉnh đốn” sau khi cho đăng các tin bài về vụ tàu Trung Quốc cắt cáp thăm dò dầu khí của tàu Bình Minh 2.

IMF & WB khuyến cáo nợ xấu


Chi nhánh ngân hàng Sacombak tại Hà Nội. RFA photo.

Về kinh tế, Việt Nam Tuần Qua ghi nhận những cảnh báo của các định chế tài chính quốc tế trước thực trạng nợ xấu trong lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam.
Phát biểu tại Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam nhóm họp tuần này ở Hà Nội, đại diện của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, bà Victoria Kwakwa đã kêu gọi chính phủ Hà Nội nên có những giải pháp quyết đoán trước những thách thức về kinh tế hiện nay.
Theo dại diện của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam cần phải có những cam kết chính trị, và cần những hành động cụ thể để ứng phó với tình trạng nợ xấu tăng cao và đà tăng trưởng bị liên tục suy giảm.
Trong bản báo cáo được công bố trước hội nghị, Đại diện thường trực Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF tại Việt Nam Sanjay Kaira cũng cho rằng chính phủ Hà Nội phải cấp thiết sửa chữa những yếu kém lớn về cơ cấu đang đe dọa nền kinh tế vĩ mô.
Theo đại diện của IMF, việc cải tổ hệ thống ngân hàng đang bị rất nhiều nợ xấu, là một nhu cầu bức thiết hiện nay, nếu không, nều kinh tế Việt Nam sẽ khó tránh khỏi một cuộc khủng hoảng tài chính.
Đáp lại những khuyến cáo của các định chế tài chính quốc tế, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thừa nhận là kinh tế vĩ mô của Việt Nam chưa vững chắc, và còn nhiều điểm yếu; đồng chời cho biết trong năm 2013 Việt Nam sẽ đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là các tổng công ty quốc doanh làm ăn thua lỗ như Vinashin, Vinalines, EVN, v,v…

Khủng hoảng Ngân hàng – Bóng đá


Đội tuyển bóng đá Việt Nam trong trận gặp Malaysia ở AFF Suzuki Cup 2010 hôm 18-12-2010 tại Hà Nội. AFP photo.

Sau thời kỳ hoàng kim của những năm 2000 khi Việt Nam bắt đầu cho tư nhân hóa bóng đá, hiện rất nhiều cầu thủ Việt Nam đang phải đối diện với rất nhiều khó khăn – nếu không muốn nói là tương lai bất định – khi nhiều câu lạc bộ phải áp dụng chính sách “thắt lưng buộc bụng”, thậm chí phải giải thể do các khó khăn về tài chính.
Trở về từ thất bại tại Giải vô địch Đông Nam Á ở Thái Lan, nhiều cầu thủ lại phải đón nhận thêm các tin không vui khi câu lạc bộ chủ quản bị mất nhà tài trợ, sự tồn vong của đội bóng vẫn chưa được định đoạt, và tương lai của họ trở nên bất định.
Khởi đầu từ cơn khủng hoảng của hệ thống ngân hàng Việt Nam mà đỉnh điểm là vụ “Bầu Kiên” bị bắt giam và khởi tố, nhiều ông bầu bóng đá đình đám ở Việt Nam một thời, nay tuyên bố rút lui khỏi cuộc chơi từng có lúc đưa họ lên hàng “đại gia” nhiều ảnh hưởng.
Tính đến nay, đã có ít nhất 8 ông “Bầu” bóng đá tuyên bố sẽ không tiếp tục theo đuổi cuộc chơi ở giải vô địch quốc gia mùa giải tới, khiến nhiều câu lạc bộ lâm vào cảnh như “rắn mất đầu”, thậm chí không có tiền trả lương cho cầu thủ.
Cùng lúc đó, các câu lạc bộ tuy thuộc quyền quản lý của địa phương nhưng được tài trợ bởi ngành ngân hàng cũng đang đối diện với rất nhiều khó khăn khi nguồn kinh phí cho mùa giải mới bị cắt giảm đáng kể.
Ảnh hưởng nhãn tiền của cơn “thoái trào” này là một loạt các cầu thủ tên tuổi của bóng đá Việt Nam, từng một thời thuộc hàng “sao” với mức lương tháng lên đến hàng chục triệu đồng, nay bỗng dưng đứng trước nguy cơ… thất nghiệp.
Các tiền đạo được săn đón một thời, các hậu vệ từng có lúc là những lá chắn thép được nhiều ông “bầu” chiêu dụ, nay đều lên báo bày tỏ sự lo lắng trước tương lai bất định của họ.
Cơn khủng hoảng Ngân hàng – Bóng đá hiện nay tại Việt Nam, cũng được giới mộ điệu lý giải cho nguyên nhân thất bại của đội tuyển quốc gia tại AFF Cup 2012. Lý do là: khi cầu thủ bị chi trí vì những mối lo “cơm, áo, gạo, tiền”, thì đôi chân chạy trên sân có làm sao mà thanh thoát được? Và làm sao họ có thể toàn tâm toàn lực cống hiến cho màu cờ sắc áo khi biết rằng câu lạc bộ mà họ đầu quân sắp bị giải thể, và tương lai sẽ là một dấu hỏi lớn?