THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

09 December 2012

Tiết lộ gây choáng về xây dựng thủy điện ở VN



08/12/2012 21:31:29

 - "Sự cố vỡ đập Darkrong 2, động đất kích thích ở thủy điện Sông Tranh 2 và mới đây nhất là đập thủy điện Đak Mek 3 bị vỡ cho thấy cái sự có vấn đề trong quy hoạch, xây dựng và vận hành thủy điện. Quy hoạch sai, gian lận trong xây dựng, kiểm tra giám sát bằng "phong bì" chính là nguyên nhân", PGS.TS Lê Bắc Huỳnh, Hội Bảo vệ Thiên nhiên & Môi trường Việt Nam chia sẻ với phóng viên.


Thủy điện nhỏ đã vỡ nhiều lắm rồi!

Năm 1999, do lũ to quá mà suýt nữa thì vỡ đập Phú Ninh. Nếu vỡ thì toàn bộ Tam Kỳ (Quảng Nam) sẽ bị cuốn trôi. Chuyện ấy xưa chỉ có một hai cái, nhưng giờ chỗ nào cũng có, phổ biến lắm. Cộng thêm chuyện nhà đầu tư chỉ thuần túy nghĩ đến lợi ích khai thác thủy điện để tính lợi nhuận mà họ hay làm kiểu thủy điện đường dẫn. Nghĩa là chặn dòng sông này để dẫn nước vào dòng sông khác. Làm thế thì chỉ phục vụ được mục đích lợi nhuận. Còn cả đoạn sông hàng chục km bị chết luôn do không có nước.
Hàng loạt sự cố từ các đập thủy điện thời gian gần đây mà mới nhất là đập thủy điện Đak Mek 3 bị vỡ do chiếc xe tải đâm vào đập. Ông nghĩ sao về thực tế này?

Trong khoảng chục năm trở lại đây, ta phát triển thủy điện ở mức không kiểm soát được, gây ra sự thiếu bền vững. Giao cho UBND các tỉnh tự quy hoạch thủy điện nhỏ chính là mối họa. Các địa phương sẵn sàng trải chiếu hoa mời các nhà đầu tư vào vì mục đích phát triển kinh tế. Nhưng họ không có chuyên môn quy hoạch và không tính đến những tác động khác. Có thời kỳ có cả trăm thủy điện cùng xây dựng một lúc.

Phải chăng việc đó thể hiện sự thiếu quy hoạch, lộ trình?

Đúng vậy. Đáng ra phải có lộ trình, có quy hoạch. Nhưng người ta đã không chú ý đến điều này. Nếu xây dựng có lộ trình thì sẽ rút được kinh nghiệm cho những công trình sau. Về quản lý nhà nước, để cho tình trạng quy hoạch xây dựng ồ ạt, phát triển quá nóng như vậy, thể hiện sự quản lý yếu kém, rất yếu kém.

Nhưng rõ ràng, quản lý yếu kém chỉ là nguyên nhân của nguyên nhân?

Đúng, quản lý yếu kém mà người thực thi nghiêm chỉnh thì cũng chưa đến nỗi thảm họa. Câu chuyện ở đây là chất lượng xây dựng công trình có vấn đề. Muốn xây dựng được một công trình thủy điện thì phải có những nhà chuyên môn liên quan đến thiết kế, thi công, giám sát đều phải giỏi.

Ý ông phải chăng là hàng trăm công trình cùng triển khai một lúc thì người ở đâu ra để làm cái việc đó?

Đúng thế. Nó dẫn đến công trình không đảm bảo chất lượng. Vì thế cho nên không phải giờ mới có Darkrong hay Đak Mek mà đập thủy điện nhỏ đã bị vỡ nhiều lắm rồi!

PGS.TS Lê Bắc Huỳnh.
PGS.TS Lê Bắc Huỳnh.

Khâu giám sát rất yếu

Ngoài yếu tố không có người đủ chuyên môn làm thì chắc hẳn cũng có những nguyên nhân khác?

Chất lượng công trình như vậy có lý do nữa là tính toán lũ thiết kế không phù hợp. Tính sai, không có số liệu đo đạc do nóng vội. Đáng ra phải điều tra khảo sát đánh giá dòng chảy con sông cỡ khoảng 10 - 15 năm rồi mới bắt tay vào xây dựng. Những công trình thủy điện trước đây của chúng ta đã làm như thế rồi.

Khoảng 10 - 15 năm để chuẩn bị cơ ạ?

Đúng vậy, kể cả khi có số liệu nghiên cứu từ trước đó rồi thì người ta vẫn phải tính thế. Ví dụ như thủy điện Thác Bà, Sơn La, Hòa Bình, Yaly, đều có một thời kỳ điều tra khảo sát đo đạc rất kỹ. Thế mà giờ nhiều công trình không có số liệu nghiên cứu, tính toán thì qua loa, không khoa học, không chuyên môn thì làm sao mà tốt được.

Ví dụ như tính toán yếu tố nào sai thì sẽ gây nguy hiểm?

Tính toán lũ sai thì an toàn công trình sẽ khó đảm bảo. Chuyện đang thi công mà vỡ đập thì cũng đã xảy ra nhiều rồi. Ví dụ như thủy điện Cửa Đại đang thi công mà vỡ đập, tốn không biết bao nhiêu tiền. Chủ yếu là do không tính toán đúng độ an toàn. Tính toán sai cũng có thể dẫn đến lũ vượt thiết kế làm công trình trở nên nguy hiểm. Nhiều đập vừa rồi trong tình trạng "vỡ đến nơi" , buộc phải có những xử lý.

Nhưng phải có người kiểm tra giám sát chứ, vì thủy điện nào thì cũng là công trình mang tính quốc gia, điện là loại hàng hóa đặc biệt?

Khâu kiểm tra giám sát của các cơ quan quản lý cũng rất kém. Gần như bỏ mặc cho chủ đầu tư thích làm gì thì làm. Không điều tra giám sát mới dẫn đến tình trạng như cái đập Đarkrong 2 bên trong bê tông toàn là củi mục. Thế thì nó không vỡ hôm nay thì ngày mai sẽ vỡ. Cũng may mà mới tích nước sơ sơ nó đã vỡ rồi. Mà chính việc giám sát cũng phải có chuyên môn. Làm sao có thể giám sát trong khi chúng ta xây dựng đồng loạt hàng trăm thủy điện. Mà thực tế đã diễn ra rồi, thực trạng giám sát bằng phong bì cũng không phải không có.

Nhưng chắc hẳn cũng phải có quy định nào đó về việc này chứ?

Có. Nhưng văn bản pháp luật chưa bao quát được hết thực tế, chưa có những quy định chặt chẽ. Rồi có những cái có rồi nhưng cũng không thực hiện.

Ông có thể cụ thể hơn?

Rất nhiều văn bản có rồi chứ. Ví dụ như tiêu chuẩn thiết kế là có rồi, nhưng họ tính toán sai mà không ai kiểm tra xem họ tính đúng hay không. Thế thì cũng đành chịu.

Thực ra là do siêu lợi nhuận thôi

Theo ông thì vì sao người ta lại xây nhiều thủy điện thế?

Thực ra là do siêu lợi nhuận thôi. Nhiều công trình chỉ đầu từ khoảng 200 - 500 tỷ đồng nhưng có thể khai thác 50 - 70 năm. Trong phương án xây dựng thì họ thường tính thời gian hoàn vốn khoảng 15 - 20 năm. Nhưng thực ra 4 - 5 năm đã hoàn vốn rồi.

Ông lý giải thế nào về việc siêu lợi nhuận?

Lãi là vì nhà nước bỏ quên hết những cái khác, không có văn bản pháp luật điều chỉnh cụ thể. Ví dụ như thuế tài nguyên, thuế khai thác và sử dụng nước... đều rất ít, có chỉ là hình thức. Ta cũng kiến nghị điều chỉnh thuế tài nguyên, khai thác sử dụng tài nguyên thì phải trả tiền. Nhưng để quy định rõ ràng người ta phải đóng bao nhiêu thì còn lâu lắm.

Có lẽ chúng ta phải trông chờ vào sự thay đổi bổ sung các quy định mới?

Các văn bản pháp luật phải điều chỉnh nghiêm ngặt hơn nữa thì mới điều tiết được. Chứ không đặt vấn đề cấm được xây dựng thủy điện. Làm sao để vẫn giữ được môi trường, vẫn giữ được dòng sông mà vẫn có thủy điện.

Nhưng làm thế thì lợi nhuận của nhà đầu tư sẽ ít đi?

Thì rõ ràng là thế, nhưng sao thế giới họ vẫn làm được thế mà mình lại không? Buộc phải tính các chi phí liên quan đến môi trường. Ví dụ như phải trồng bù rừng, đồng thời phải chăm sóc rừng. Trước giờ nhà nước vẫn "gánh" phần di dân tái định cư, giờ phải có quy định bắt doanh nghiệp thực hiện chứ. Đồng thời phải thường xuyên sử dụng một phần lợi nhuận từ công trình để chăm lo cho đời sống của người dân.

Xin cảm ơn ông!
Hồ chứa thủy điện thường đặt ở vị trí rất cao. Có hồ cao đến 800m so với khu dân cư. Miền Bắc thì còn đỡ vì khu dân cư tập trung ở xa hơn. Nhưng ở miền Trung, cư dân thường sống rất gần những đập thủy điện này. Nếu vỡ đập thì khủng khiếp lắm. Ví dụ có hàng loạt công trình ở Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Quảng Nam... có chiều cao 400m, 500m, 800m ở ngay những khu dân cư. Điều đó giống như treo quả bom nổ chậm ngay trên đầu nhân dân vậy. Cộng với tính toán không đúng, chất lượng công trình có vấn đề, không biết cách vận hành, thì cực nguy hiểm.
Tô Hội (Thực hiện
)