THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

05 December 2012

Những cánh hoa bạc mệnh

Những cánh hoa bạc mệnh

 
Thiên đường hạnh phúc mà những cô gái quê nghèo đi tìm là thế giới bên kia, thế giới của sự im lặng, an bình đã khép kín linh hồn của những cánh hoa bạc mệnh.



Đám tang cô Võ Thị Minh Phương, 27 tuổi quê ở Xã Phú An, Huyện Phụng Hiệp, Cần Thơ, đã ôm hai con, một bé gái 7 tuổi và bé trai 3 tuổi nhảy lầu tự sát tại Busan, Hàn Quốc hôm 23/11.

Hy vọng đổi đời

Ngày nay, đàn ông muốn tìm vợ ngoại quốc không còn là chuyện khó khăn. Họ chỉ cần ngồi trước máy điện toán đánh cụm từ “Women Mail-Order Bride”, lập tức hàng ngàn công ty môi giới, hàng triệu thông điệp, hình ảnh các cô gái đủ mọi chủng tộc, mọi lứa tuổi, được đánh bóng, quảng cáo rầm rộ hiện ra tràn ngập. Các ông tha hồ lựa chọn. Các cô gái Việt Nam đã dẫn đầu danh mục của những công ty môi giới mua bán “Cô Dâu Việt Nam” qua cách trực tuyến trên liên mạng được gọi là “Vietnamese Mail-Order Bride”.
Đa số các cô gái Việt Nam bị lôi cuốn bởi sự giàu sang ở nước ngoài và họ đã lao vào những cuộc phiêu lưu hôn nhân mua bán, đổi chát không có tình yêu. Bởi vì, khi cuộc sống quá cơ cực, không tìm được hạnh phúc, an vui trong thực tại và tương lai trước mặt là một bóng đêm ảm đạm, mù mịt thì người ta luôn dệt mộng, mơ ước đi tìm một chân trời xa lạ nào đó để hy vọng thay đổi cuộc đời mình và giúp đỡ cha mẹ, gia đình. Cho dù, hạnh phúc đó rất mong manh, họ vẫn như con thiêu thân, lao vào ánh đèn muôn màu để tìm ánh hào quang.
Cô Nguyễn Ngọc Nga, quê Huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang cho biết ở quê cô có rất nhiều cô gái đi lấy chồng ngoại quốc khi tuổi còn rất trẻ. Nhiều nhất là các xã Phương Bình, Hoà An, Hoà Mỹ. Đa số gia đình họ là nông dân có hoàn cảnh rất nghèo khổ. Có nhiều cô gái ra đi rồi biền biệt không ai biết họ đang ở đâu và không bao giờ còn trở lại quê nhà:


Người ta thấy những gia đình người ở gần đi rồi gởi tiền về nhiều rồi người ta nuôi ý tưởng là gả con đi nước ngoài để đổi đời.

Cô Nguyễn Ngọc Nga

“Mình nghe người mình qua bên đó như vậy thì mình cũng buồn lắm. Nói chung tại bên mình đời sống khó khăn nên người ta mới đi. Nếu người ta có công ăn việc làm, có tiền có của thì cũng không ai muốn đi đâu. Những người muốn gả con cho nước ngoài đa số là người nghèo nuôi con lớn lên để gả qua bên bển. Tại vì người ta nghèo quá! Người ta thấy những gia đình người ở gần đi rồi gởi tiền về nhiều rồi người ta nuôi ý tưởng là gả con đi nước ngoài để đổi đời. Chị đi thực tế xuống dưới dân nghèo chị mới thấy đâu có việc gì để làm, tối ngày chỉ trồng miá. Ở xứ em không có ruộng, mà người ta không có làm ruộng mà chỉ có trồng miá, mà miá năm nay một vụ miá bán ra cũng chỉ có 800 trăm hoặc 800 trăm mấy đồng một ký. Bán xong mùa mía, tiền cũ đổi tiền mới cũng không có đủ. Bởi vậy họ không có tiền. Nên người ta ước mơ gả con để người ta có tiền đổi đời. Nhiều khi con cái thấy cha mẹ nghèo quá cũng muốn đi để giúp đỡ cho cha mẹ.”
Sau 10 năm đi học xa làng quê, khi Nga trở về đã thấy nhà cửa của quê mình đổi khác. Nhiều người có con đi lấy chồng Hàn quốc, Đài Loan đã có nhà cửa khang trang, khá giả. Do đó, làn sóng lấy chồng Hàn quốc rất khó ngăn chặn vì ngoài sự nghèo khó, cơ cực ra còn có nguyên nhân khác khiến cho các cô gái Việt Nam muốn rời xa quê nhà để lấy chồng xa. Nguyễn Ngọc Nga nói:
“Người ta nói ở bên đây có chồng cũng hên xui, có khi ông chồng bên đây cũng đánh vợ, giết vợ cũng có vậy, nói chi ở bên kia. Tại vì em thấy báo đăng tối ngày, nhất là báo công an đăng dân mình đi qua bển gặp nầy kia hoài mà dân mình cũng đâu có sợ. Người Việt Nam mình em thấy có một số người cũng vũ phu quá, đánh vợ, giết vợ cũng lên báo ầm ầm bởi vậy nên người ta nói thà người ta đi xa luôn.”


Cô dâu Thạch Thị Hoàng Ngọc và người chồng
Hàn Quốc Jang du Hyo tại thời điểm cử hành hôn lễ. File photo.


Theo thống kê của Tổng Cục Dân Số-Kế Hoạch Hóa Gia Đình cho biết, từ năm 1998 đến ngày 31/12/2010, có 300.000 phụ nữ Việt Nam lấy chồng nước ngoài, phần lớn là Hàn Quốc và Trung Quốc. 3/4 những cô gái xuất thân từ những gia đình có 5 con trở lên, nghèo khổ, không có việc làm, không được đi học hoặc trình độ học vấn rất thấp. Có 75% cô dâu lấy chồng lớn hơn mình từ 10 tuổi trở lên, 15% cô dâu lấy chồng hơn 20-30 tuổi. Tất cả đều qua mai mối, cò mồi và bị lường gạt và đa số đều xuất thân từ Miền Tây, và các tỉnh miền Nam. Theo thống kê điều tra thì 80%, các cô lấy chồng do cha mẹ ép buộc, gả bán để nhận một số tiền có khi chỉ vỏn vẹn 500 đô la.
Tại phường Nam Hòa, thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh, có 300 cô lấy chồng nước ngoài mà chủ yếu là Hàn Quốc cao nhất tỉnh. Con số này vẫn đang tiếp tục tăng với tốc độ chóng mặt, một năm có trên 40 trường hợp và đang phát triển như một “phong trào" không thể ngăn cản nổi.
Làn sóng ra nước ngoài tìm kiếm vợ của đàn ông Hàn Quốc bắt đầu từ đầu những năm 2000. Tính đến cuối năm 2011, có tổng cộng 124.000 cô dâu ngoại. Họ đến từ các nước Đông Nam Châu Á như Việt Nam, Indonesia, Campuchia và Trung Quốc.

Theo số liệu của Viện Xã Hội và Y Tế Hàn Quốc công bố vào tháng 10, trong năm 2011, cô dâu Việt là 7.636, dẫn đầu trong số các cô dâu ngoại, vượt qua số cô dâu Trung Quốc. Tại Hàn Quốc, các dịch vụ môi giới hôn nhân được luật pháp cho phép, có trên 1,300 trung tâm hợp pháp và không hợp pháp đang hoạt động. Những người đàn ông Hàn Quốc không tìm được vợ đa số là dân đánh cá và làm nông nghiệp. Cứ 6 người thì có 1 người lấy vợ Việt Nam. Khoảng cách tuổi tác, ngôn ngữ, văn hóa là rào cản dẫn đến những khó khăn trong đời sống hôn nhân.

Bà Han Kuk Yom, Giám Đốc Trung Tâm bình đẳng giới nói rằng: “Vấn đề bạo lực trong gia đình nguyên nhân chính là do sự khác biệt về văn hóa giữa cô dâu và chú rể. Văn hóa của người Hàn Quốc thì đàn ông là trụ cột, có vị trí quan trọng nhất và quyết định tất cả mọi việc trong gia đình. Điều đó, sẽ gây sự phản cảm cho người vợ từ các nước khác đến. Có lần tôi đến đại sứ quán Việt Nam tại Hàn quốc, thấy tuổi tác giữa hai vợ chồng rất chênh lệch. Những người đàn ông Hàn Quốc lớn tuổi nên không nhận thức được sự bình đẳng nam nữ như giới trẻ. Mặc khác, những công ty môi giới thường chạy theo lợi nhuận nên đã giới thiệu những người đàn ông Hàn Quốc không đúng sự thật và phía bên Việt Nam cũng thế.”
Hạnh phúc ở thế giới bên kia

Vấn đề bạo lực trong gia đình nguyên nhân chính là do sự khác biệt về văn hóa giữa cô dâu và chú rể.
Bà Han Kuk Yom


Ngày 30 tháng 5 năm 2012, The Alantic online đã đăng tải bài của tác giả Andrew Billo, ông đã từng làm việc sáu năm về các vấn đề di trú ở Đông Nam Á và Trung Đông. Andrew Billo bắt đầu bài viết của mình rằng “hàng năm, có hàng ngàn phụ nữ Việt Nam được buôn bán qua môi giới hôn nhân”. Vào năm 2007, khi ông đang làm việc để giúp đỡ về tình trạng sức khoẻ và phúc lợi cho các cô dâu Việt Nam thì ông nhận được một mẫu quảng cáo do một người quen chụp được từ quận 5, thành phố Sài Gòn gởi cho ông. Đó là một bảng quảng cáo dịch vụ của một công ty môi giới hôn nhân, và văn bản gạch đầu dòng của nó là: "Cô ấy là một trinh nữ, cô ấy sẽ là của bạn chỉ trong ba tháng, giá cố định, nếu cô ấy trốn đi trong năm đầu tiên, đảm bảo phải được thay thế."
Andrew Billo bình luận rằng mặc dù những cuộc di dân giữa các quốc gia có biên giới gần nhau đã tồn tại trong nhiều thế kỷ. Nhưng giữa những năm 1990, ông đã vô cùng ngạc nhiên khi chứng kiến một sự gia tăng nhanh chóng về số lượng phụ nữ Việt Nam kết hôn với người nước ngoài từ các nước xung quanh Đông và Đông Nam Á. Ông đã từng chứng kiến hàng trăm phụ nữ sống trong các khách sạn xung quanh Sài Gòn để chờ đợi ngày này qua ngày khác, có một người nước ngoài đến chọn họ về làm vợ.
Tác giả đặt ra câu hỏi: “Làm thế nào cô dâu cuối cùng có thể di cư đến Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Malaysia, và ngay cả Trung Quốc?” Và Andrew Billo giải thích rất rõ ràng rằng tất cả đã được điều khiển bởi một mạng lưới môi giới hôn nhân của các đại lý, doanh nghiệp phát triển làm ăn phát đạt và giàu lên một cách nhanh chóng. Những tổ chức môi giới nầy đã biến việc hôn nhân mua bán thành thị trường béo bỡ, lợi nhuận cao mà không cần vốn. Họ chụp bắt được giao điểm giữa cung và cầu. Quan trọng hơn là họ sẵn sàng buôn bán người bởi động cơ thúc đẩy của lợi nhuận hơn là phúc lợi cho những người mà họ tự xưng là để giúp đỡ. Giá thị trường cho một phụ nữ Việt Nam khoảng $5.000 đô la. Một công ty môi giới hôn nhân “J & N Việt Bride” do người Singapore quản lý đã quảng cáo rằng người đàn ông có thể đi du lịch đến Việt Nam, chọn một cô dâu, kết hôn, và đem về nước họ, tất cả chỉ trong một tuần.


Đại diện Hiệp hội người Hàn Quốc tại TP.HCM
chia buồn với gia đình cô dâu Thạch Thị Hoàng
Ngọc. File photo.


Phụ nữ Việt Nam di cư thường sống trong sự cô lập. Số phận của họ nằm trong bàn tay của người bỏ tiền ra mua họ. Họ rất dễ bị khai thác, lạm dụng, đánh đập trong một thời gian kéo dài, bị lợi dụng mua bán vào động mãi dâm bởi khả năng ngôn ngữ là một rào cản khiến họ không thể tiếp xúc với chính quyền. Cánh cửa của niềm cô đơn và tuyệt vọng cũng khép lại. Họ không thể định đoạt hay có lối thoát cho số phận may rủi của mình.
Đâu đó cũng có những nụ cười thấp thoáng ẩn hiện niềm hạnh phúc. Nhưng niềm cay đắng, tủi cực, đau khổ vì bị hành hạ, đánh đập, đôi khi bị giết chết hoặc phải tự sát cũng đã xảy ra. Chỉ trong vòng vài năm, đã có nhiều cô dâu Việt Nam chết tại Hàn Quốc là Huỳnh Mai, Hoàng Thị Nam. Bốn người phụ nữ khác người Cần Thơ bị giết là Phạm Thị Loan, Thạch Thị Hoàng Ngọc, Trần Thanh Lan, Lê Thị Kim Đồng và mới đây nhất, ngày 23/11/ vừa qua, cô Võ Thị Minh Phương, 27 tuổi quê ở Xã Phú An, Huyện Phụng Hiệp, Cần Thơ, đã ôm hai con, một bé gái 7 tuổi và bé trai 3 tuổi nhảy lầu tự sát tại Busan, Hàn Quốc, vì bị hành hạ, đánh đập và bế tắt trong cuộc hôn nhân ngoại chủng. Cô để lại một bức thư tuyệt mệnh: “Vì người chồng thường xuyên đánh đập, ghen tuông vô cớ. Tôi xin lỗi ba mẹ. Tôi cũng xin lỗi chồng trong những năm qua sống chung với nhau, có gì thiếu sót mong anh bỏ qua. Mong muốn sau khi chết, cả 3 mẹ con được đưa về quê nhà Việt Nam để an táng…”.
Cái chết thương tâm của ba mẹ con đã làm chấn động lương tâm của hàng triệu người trong và ngoài nước. Nhà thơ Kiều Mộng Hà, người cùng quê với cô Minh Phương đã đau xót, chia sẻ cảm xúc của bà như sau:
“Tôi xa quê hơn 30 năm. Nhưng những hình ảnh về quê hương bao giờ cũng ở trong trí của tôi. Tôi có đọc một bản tin. Bản tin nói về một cô gái người Việt ôm hai con nhảy xuống lầu tự tử. Cái tin đó làm cho tôi cảm xúc ghê gớm lắm bởi vì tôi là người sinh trưởng ở Cần Thơ. Tuổi thơ của tôi là tôi sống tại Phụng Hiệp ngay quê hương của người con gái bạc mệnh đó. Vì vậy mà làm sao tôi không xúc động nhiều khi nhìn thấy hình ảnh đó tự nhiên tui cảm xúc ghê gớm lắm.
Cảm xúc đó làm cho tui viết liền bốn câu thơ:“Trời ảm đạm như cùng chung xúc cảm. Thương cho em cô gái Việt tên Phương. Bởi vì đâu em nhảy lầu chết thảm. Sống bán mình, chết quá đau thương.” Tôi thật sự bị cái sốc đó nặng lắm. Nhất là tôi nghĩ lại tuổi thơ của tôi và của cô gái đó gần như cô không có tuổi thơ tuổi mơ mộng. Một con người như vậy mà cô không lấy được người mình yêu mà cuộc hôn nhân của cô chỉ là cuộc trao đổi cho đến khi cô rời khỏi quê nhà theo chồng không cùng ngôn ngữ, tập quán, sở thích. Cô giống như một cành hoa bị bứng rời khỏi đất mẹ. Và tôi nghĩ là cách cư xử thiếu tình thương và tình người của nhà chồng nên cô bị trầm cảm để rồi quyết định đi tìm cái chết như một hình thức thoát ly.
Ở Việt Nam theo tôi biết, cái hoàn cảnh, cái xã hội, cái nghèo túng đã biến con người thành vô cảm. Những bi kịch sẽ còn tiếp diễn nếu chúng ta cứ vô tâm để cho nước chảy qua cầu. Thành ra cái điều tôi mong ước là các nhà xã hội, nhất là chính quyền sớm tìm một giải pháp trước khi quá trễ.”
Khi đồng tiền lên ngôi thống lĩnh mọi giá trị đạo đức, thì bi kịch xã hội sẽ diễn ra theo khuynh hướng quý trọng đồng tiền, tôn sùng vật chất. Mọi người xem đồng tiền là cứu cánh duy nhất. Họ xây dựng quyền lực, làm giàu, kiếm tiền bằng mọi giá bất chấp sự thiệt hại nhân phẩm của con người, xã hội và quốc gia. Và món hàng kiếm lời nhanh nhất, làm giàu mau nhất mà không cần vốn là buôn bán phụ nữ, trẻ em và công dân của mình sang các nước làm nô lệ tình dục và làm lao nô trên xứ người. Họ sống giàu sang trên thân phận con người.
Và giờ đây, thiên đường hạnh phúc mà những cô gái quê nghèo đi tìm là thế giới bên kia, thế giới của sự im lặng, an bình đã khép kín linh hồn của những cánh hoa bạc mệnh.


Phong Thu, thông tín viên RFA