THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

06 October 2012

Thiên đường XHCN....



Lao động sang Angola: Rủi ro nhưng vẫn liều - 23.000 Lao động VN trốn ở lại Hàn Quốc

Quỳnh Lam (TP) - Trong khi các thị trường xuất khẩu lao động truyền thống cạn nguồn, người lao động bắt đầu đổ xô vào các thị trường tự do đầy rủi ro. Cơ quan chức năng, doanh nghiệp khuyến cáo, nhưng người lao động vẫn liều. 

Người lao động làm việc trong một nhà máy tại Nhật Bản. 

Kiếm tiền mạo hiểm 

Anh Nguyễn Thanh Tùng (Đức Thọ, Hà Tĩnh) đi làm việc tại Benguela (Angola) đã hơn 1 năm trong lĩnh vực sửa chữa điện tử. Hàng tháng anh đều đặn gửi về cho gia đình hơn 1.000 USD. 

Gia đình anh Tùng cho biết, đây là lần đi thứ 2 của Tùng. Lần này, Tùng thuê cửa hàng làm việc tự do. Trường hợp như Tùng không phải hiếm tại các tỉnh miền Trung thời điểm này. 

Khi các thị trường tiếp nhận lao động có thu nhập cao đòi hỏi nhiều điều kiện quá khắt khe như Nhật Bản, hoặc tạm ngừng tiếp nhận lao động như Hàn Quốc. 

Các thị trường truyền thống Malaysia, Đài Loan, Ả Rập... thu nhập thấp. Theo thống kê chưa đầy đủ của Cục Quản lý lao động Ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), hiện Angola có khoảng 10.000 lao động Việt Nam đang sinh sống và làm việc. 

Tuy nhiên, thực tế con số này lên đến khoảng 40.000 người. Trong đó khoảng 90% làm việc trong lĩnh vực xây dựng, còn lại làm điện tử và nông nghiệp. Mức lương mà doanh nghiệp sở tại trả cho lao động khá cao, trung bình từ 800 đến 1.000 USD/ tháng. 

Theo ông Nguyễn Vạn Xuân, Chủ tịch HĐQT Cty Cổ phần Phát triển Quốc tế Việt Thắng, giữa Angola và Việt Nam chưa có ký kết thỏa thuận hợp tác lao động nên chưa có doanh nghiệp xuất khẩu lao động trong nước nào trực tiếp khai thác thị trường này. Một số doanh nghiệp có đơn hàng với doanh nghiệp đối tác cũng không được Cục Quản lý Lao động Ngoài nước thẩm định. 

“Khi doanh nghiệp không khai thác, lao động chỉ có một lựa chọn duy nhất là đi theo hình thức tự do. Có những trường hợp xin visa lao động 1 năm, nhưng phần lớn đi theo visa du lịch có thời hạn 3 tháng. Hết thời hạn trên, sẽ sống bất hợp pháp trên lãnh thổ Angola”, ông Xuân nói. 

Không ai bảo vệ 

Xung quanh thị trường này, Phó cục trưởng Cục Quản lý Lao động Ngoài nước Đào Công Hải, cho biết, theo đúng quy trình, để đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, trước hết 2 nước phải ký kết thỏa thuận hợp tác lao động. 

Sau đó, doanh nghiệp dịch vụ trong nước sẽ tìm kiếm cơ hội, nhu cầu sử dụng lao động ở nước tiếp nhận cụ thể và ký hợp đồng với đối tác. 

Cuối cùng, doanh nghiệp trình hợp đồng, đơn hàng, cơ quan quản lý sẽ thẩm định tính khả thi và cho phép tuyển dụng. “Hiện, chưa có bất cứ doanh nghiệp nào đăng ký khai thác thị trường này”, ông Hải khẳng định. 

Khi lao động tự đi, tự kiếm việc làm và sinh sống, tất yếu quyền và lợi ích hợp pháp của họ sẽ không được bảo vệ. Theo ông Hải, thiệt thòi đầu tiên và rõ nhất là tiền lương. 

Nếu chủ sử dụng lao động không thực hiện trả lương như hợp đồng đã ký kết thì lao động cũng không biết kêu ai. Nhiều lao động bị bóc lột sức lao động cũng không có cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nào đứng ra bảo vệ được quyền lợi cho người lao động. 

Trong khi đó, từ phía doanh nghiệp, ông Xuân cho rằng, nếu Angola là một thị trường thu nhập cao, ít rủi ro thì doanh nghiệp xuất khẩu lao động trong nước đã không dại gì bỏ lỡ khi thị trường lao động ở nước ngoài dần bị thu hẹp. 

Theo đó, ngoài chi phí visa đắt đỏ, Angola là thị trường tiềm ẩn nhiều rủi ro vì chủ sử dụng lao động sở tại rất ít. Lao động sang Angola chủ yếu làm việc cho chủ thuộc nước thứ 3 như Trung Quốc, Việt Nam và Bồ Đào Nha. 



*

Lao động bỏ trốn tại Hàn Quốc: Vì sao?

Tuyết Mai (Tinnhanh) - Nhiều lao động Việt Nam cho biết, vì chi phí cho việc đi XKLĐ ở Hàn Quốc quá lớn và khó khăn nên nhiều người bằng mọi cách trốn ở lại để tìm việc kiếm thêm thu nhập. 

“Cùng lắm mới chịu về” 

Nguyễn Văn D, Bạch Đằng Kiến Xương, Thái Bình, đi xuất khẩu sang Hàn Quốc theo chương trình Thẻ vàng từ năm 2002. Theo hạn, anh chỉ ký hợp đồng làm việc trong 2 năm, tuy nhiên, khi hết hạn D đã ra ngoài đi làm chui thêm được 4,5 năm nữa. “Ai cũng biết sang đó là khó khăn lắm mới được nên chả ai dại gì muốn về sớm. Hơn nữa khi ra ngoài làm thêm, thu nhập của mình cũng cao hơn so với ngày làm chính thức. Vì thế nên ai cũng nghĩ nếu hoàn cảnh bắt buộc mới phải về nước đúng thời hạn”, anh D. cho biết. 

Khi được hỏi có biết việc trốn ở lại nước bạn là bất hợp pháp hay không, anh D. thật thà: “Biết chứ, mình luôn xác định sẵn tâm lý khi ra làm bên ngoài nếu ngay ngày mai bị bắt thì cũng vẫn cứ làm. Cùng lắm cũng chỉ bị trục xuất về nước chứ có tội tình gì đâu mà sợ!”. 

Nói về khâu quản lý lao động của bên cung ứng, anh D. cho biết rất lỏng lẻo: “Tất cả đều thông qua ban đại diện người lao động Việt Nam bên đó. Tuy nhiên, chỉ khi nào có sự cố tranh chấp thì người của Ban đại diện mới tới còn bình thường thì họ chả biết mình đang làm gì, ở đâu”. 

Cũng theo anh D., ngay cả khi biết lao động ở lại làm chui, người của Ban đại diện cũng không hề có hành động xử lý thậm chí lời nhắc nhở cũng không: “Anh em gặp nhau có khi còn làm chầu rượu vui vẻ như người nhà ấy mà”. 

Sau gần 7 năm làm việc tại Hàn Quốc, mặc dù thừa nhận số tiền tích lũy được đã cải thiện đáng kể kinh tế gia đình, tuy nhiên anh D. cũng chia sẻ: “Số tiền đó vừa đủ trang trải nợ nần, cất được ngôi nhà nho nhỏ ở quê vậy là hết. Thử hỏi nếu chỉ đi làm 2 năm như hợp đồng thì làm sao có được như vậy”. 

Điều tra mới nhất về tình hình hậu xuất khẩu lao động tại Việt Nam của Ngân hàng thế giới mới công bố cho thấy đại bộ phận lao động có tích lũy từ XKLĐ (88,9%). Trong đó, mức tích lũy cao và ổn định nhất thuộc về thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc, thấp nhất là Malaysia. Mức tích lũy bình quân của người lao động làm việc đủ 3 năm ở Nhật Bản là 312 triệu đồng/người, ở Hàn Quốc (243 triệu đồng/người), Đài Loan (145 triệu đồng/người) và Malaysia (51 triệu đồng/người). Báo cáo cũng thừa nhận mức tích lũy của người lao động tỷ lệ thuận với độ dài thời gian làm việc ở nước ngoài. Đối với nhiều trường hợp lao động trẻ (18-20 tuổi) về nước đúng hạn từ Nhật Bản và Hàn Quốc cũng không có tích lũy. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do lao động trẻ chưa có ý thức tiết kiệm trong quá trình sống và làm việc ở nước ngoài. 

Mặt khác, việc sử dụng tiền tích lũy của người lao động chưa thực sự hiệu quả. Phần lớn số tiền tích lũy được sử dụng để giải quyết các nhu cầu cấp bách của gia đình như trả nợ của gia đình phát sinh từ trước hoặc trong quá trình đi xuất khẩu lao động (chiếm 34,37% tổng số tiền tích lũy), xây dựng/sửa chữa nhà cửa (28,49%) và mua sắm đồ đạc trong gia đình (10,59%). Trong khi đó, việc đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh và đầu tư cho việc học hành còn rất hạn chế, chỉ chiếm tương ứng khoảng 8,79% và 3,67% tổng tiền tích lũy. 

Chi 5.000-7.000 USD mới có suất 

Theo quy định của Bộ LĐ-TB-XH, khi nhận được thông báo tuyển chọn hồ sơ xuất khẩu sang Hàn Quốc theo chương trình EPS, người lao động chỉ phải nộp khoản tiền 630 USD để trang trải chi phí mua vé máy bay, làm visa, bồi dưỡng kiến thức cần thiết, tuyển chọn, xử lý hồ sơ của người lao động. Tuy nhiên, theo tìm hiểu thực tế của PV, nhiều tỉnh thành người lao động đã phải bỏ từ 5.000-7.000 USD để được xuất khẩu lao động. Anh Vũ Văn Đ (Kiến Thụy, Hải Phòng) cho biết đang theo học lớp ôn thi tiếng Hàn của cô giáo tên S tại Hà Nội. Theo đó, mỗi học viên nếu muốn được đi xuất khẩu sẽ phải nộp cho cô S một khoản là 7.000 USD để lo chi phí từ A-Z. Đ cũng cho biết cô S từng công tác trong lĩnh vực xuất khẩu lao động đã về hưu nhưng vẫn còn quan hệ nên hoàn toàn có thể chạy hồ sơ được. “Nếu mình cứ đúng quy định cứ mang hồ sơ lên Sở LĐ-TB-XH tỉnh thì còn lâu mới được chạy. Bao nhiêu hồ sơ họ cũng nhận nhưng họ cứ cất vào tủ thì làm được gì?” Đ nói. Một trường hợp khác tại Kiến Xương Thái Bình cũng cho hay, anh ta làm đúng thủ tục theo quy định tuy nhiên sau gần 2 năm nộp hồ sơ mà vẫn chưa thấy quyết định được đi xuất khẩu. Quá sốt ruột, anh liền đưa cho cò khoảng 4.500 USD vậy là sau 2 tháng đã có quyết định hồ sơ của anh đã được công ty bên Hàn Quốc chấp nhận?!


Gần 23.000 lao động “chui”

Thống kê chưa đầy đủ hiện có gần 23.000 lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Trong đó 12 tỉnh có số lao động ở lại nhiều nhất là Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ. Trước tình trạng này, một biện pháp mạnh tay đã được tung ra khi Bộ LĐ-TB-XH đã gửi công văn về các địa phương yêu cầu ngưng tiếp nhận hồ sơ dự thi tiếng Hàn của 23 xã, phường và thị trấn có từ 5 lao động trở lên bỏ trốn ở lại Hàn Quốc khi hết hạn hợp đồng. Tuy nhiên tới nay tình trạng lao động bỏ trốn vẫn không thuyên giảm. Hiện Việt Nam vẫn là nước có nhiều lao động cứ trú bất hợp pháp nhiều nhất trong số 15 quốc gia tham gia cúng ứng lao động cho Hàn Quốc.

Trao đổi với phóng viên, đại diện Cục Quản lý Lao động ngoài nước cho biết: “Nước bạn sợ mình cư trú bất hợp pháp gây lộn xộn, náo động đất nước người ta. Bạn cũng lo lắng tình trạng người lao động chúng ta sang chưa làm việc đã đổi chỗ khác. Tất cả hành động này chắc chắn phải qua môi giới người lao động mới có thể làm được”.

Quan hệ cung ứng và sử dụng lao động giữa Việt Nam và Hàn Quốc bắt đầu từ năm 1993, là chương trình hợp tác lớn nhất trong lĩnh vực LĐ – XH giữa hai nước, hiện đang được triển khai dưới 3 hình thức: lao động đi theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (EPS); lao động đi làm việc trên các tàu đánh cá của Hàn Quốc; lao động có trình độ tay nghề kỹ thuật cao. Hiện có khoảng 75.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại Hàn Quốc. Từ trước tới nay, lao động Việt Nam vẫn được  được chủ sử dụng lao động Hàn Quốc ưa thích, bởi tính cần cù, chịu khó, sáng tạo và nhanh chóng hòa nhập với môi trường sinh hoạt, làm việc tại Hàn Quốc. Vì vậy, so với 14 quốc gia phái cử khác, Việt Nam luôn dẫn đầu về tỷ lệ LĐ được chủ sử dụng lao động Hàn Quốc lựa chọn và số lượng lao động được nhập cảnh vào làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS.

Tuyết Mai