THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

04 October 2012

Sự lan tỏa… sau những phiên tòa



Hạ Đình Nguyên (BVN) - Có người đặt câu hỏi, đây là sự tình cờ trùng hợp, hay có sự sắp đặt “đồng thuận” nào đó của Bắc Kinh, khi mà sự lắng dịu tạm thời do Bắc Kinh giảm nhẹ áp lực lên Việt Nam, thì lập tức Việt Nam rảnh tay, thẳng tay trấn áp những người đòi dân chủ và chống xâm lược Bắc Kinh, nhất là ngay sau khi TT Nguyễn Tấn Dũng trở về từ chuyến đi Trung Quốc và gặp Tập Cận Bình?...

*

Thời sự mấy tuần nay cho thấy áp lực của Bắc Kinh vào Việt Nam, và Biển đông tạm lắng dịu – sự lắng dịu đáng nghi ngờ mà mọi người quan tâm đến thời cuộc đang nín thở cảnh giác – thì lập tức Việt Nam nổi lên những vấn nạn về Dân chủ. 

Dư luận chưa ngớt xôn xao với chỉ thị của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về ngăn cấm, cảnh cáo và lên án những trang mạng xã hội, thì tiếp đến là phiên tòa xét xử 3 blogger với các bản án được dư luận cho là không thích hợp, cùng sự xuất hiện những bài báo của những tờ báo nhà nước chính thống (Nhân dân, Quân đội Nhân dân, Mặt trận Tổ quốc), có nội dung thống nhất, đồng loạt đã kích và lên án những người xuống đường chống bành trướng Bắc Kinh, chống bất công, đòi lại đất đai, đòi dân chủ và nhân quyền trong thời gian qua, họ đều được xem là bọn cơ hội, là thuộc thế lực thù địch, phản động, là âm mưu thực hiện “diễn biến hòa bình” do phương Tây chủ xướng, nhằm chống lại nhà nước Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa. 

Có người đặt câu hỏi, đây là sự tình cờ trùng hợp, hay có sự sắp đặt “đồng thuận” nào đó của Bắc Kinh, khi mà sự lắng dịu tạm thời do Bắc Kinh giảm nhẹ áp lực lên Việt Nam, thì lập tức Việt Nam rảnh tay, thẳng tay trấn áp những người đòi dân chủ và chống xâm lược Bắc Kinh, nhất là ngay sau khi TT Nguyễn Tấn Dũng trở về từ chuyến đi Trung Quốc và gặp Tập Cận Bình? 

Cách đây không lâu, giới bình luận quốc tế cho rằng, hành động bành trướng và hung hăng của Bắc Kinh là tạo điều kiện thuận lợi cho Mỹ gắn bó lại với các nước Đông Nam Á. Vì để bảo vệ nền độc lập của mình, trước đe dọa xâm lăng của Bắc Kinh, các nước Đông Nam Á cần sự gắn kết và hổ trợ của các nước lớn khác, đặc biệt là Mỹ, như một thế lực đối trọng. Nay Bắc Kinh bỗng hạ giọng, đổi chiến thuật, đi vòng quanh các nước, hứa hẹn hòa bình, cam đoan duy trì ổn định, không bắt nạt ai. Các nước Đông Nam Á, từ thế đứng độc lập sẳn có, tỏ ra bình tĩnh; nhưng riêng Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa, thế đứng chênh vênh miệng cọp nên rất mừng rỡ, các lãnh đạo ai nấy đều phát biểu “đồng thuận” với Bắc Kinh. Nhưng đồng thuận trong chủ trương giữ hòa bình Biển đông, sao lại vội vàng quay ra trấn áp những đòi hỏi bức xúc của nhân dân về yêu cầu dân chủ có thật và những biểu thị tinh thần yêu nước khi đất nước bị đe dọa chù quyền và lãnh hải bị xâm phạm? Thái độ nhà nước đang tỏ ra giận dữ, triển khai trấn áp thành phần nầy, bên cạnh chiến dịch chống tham nhũng đang hồi diễn tiến gay go trong nội bộ nhà nước, cùng với cơn lốc tài chánh đang gia tăng. 

Bắc Kinh sẽ hưởng được lợi ích gì sau một nước cờ cao, với kế “thập diện mai phục” qua 4 hiện tượng mai phục sau: 

1. Khi Việt Nam thực hiện mạnh bạo các hành động trấn áp, bóp nghẹt thông tin, triệt hạ internet, bỏ tù các blogger, đàn áp, miệt thị những người biểu tình, không chấp nhận phê phán, phản biện là đi ngược lại xu thế hội nhập và dân chủ, là không thực thi Công ước Quốc tế về Dân sự và Chính trị, về Hợp tác thương mại mà Việt Nam đã ký kết tham gia; là thách thức công khai đối với cộng đồng quốc tế về mối liên kết thế và lực, cùng các giá trị thời đại; là xóa bỏ những nổ lực và cam kết của mình với cộng đồng thế giới trước đây; tức là Việt Nam tự đẩy mình ngày càng xa với cộng đồng thế giới, cũng đồng thời có nghĩa là lùi dần về phía Bắc Kinh. Việc làm này đã phát đi một tín hiệu lan ra khắp thế giới rằng, Việt Nam đã nói tiếng “không” với trào lưu hội nhập. Thái độ kiên quyết “ăn thua đủ”, hay “ai thắng ai” đối với 10 Điếu Cày hay 100 loại Điếu Cày, cũng không bù đắp được sự mất mát hình ảnh của một đất nước có lịch sử vang lừng về yêu chuộng hòa bình, từng được sự ủng hộ của nhiều quốc gia trên thế giới trong thời kỳ kháng chiến. Là vì nỗi ám ảnh về một “mùa xuân Ả Rập”, hay là vì một áp lực từ Bắc Kinh? Cả hai lý do đều không hợp lý, cả hai lý do đều bộc lộ một sự thiếu tự tin không đáng có. Lý Hiển Long, Thủ tướng Singapore, đã nói gì với Hồ Cẩm Đào tại Bắc Kinh? Ông ấy nói rằng biển, đảo, tài nguyên phía dưới biển đều là quý, nhưng không thể so sánh với hình ảnh một Trung Quốc trước cái nhìn của thế giới (ý khuyên rằng hãy bỏ cái mặt hung hăng sát khí, thay vào đó bằng cái mặt nhân văn, dân chủ, tử tế, biết điều hơn, thì có lợi ích lớn lao hơn ). Sự biểu dương quyền lực của nhà nước Việt Nam, thể hiện qua các phiên tòa và các vụ đàn áp nông dân, có lẽ không có lợi ích gì đáng kể, so với mất mát nhiều mặt, về quan hệ quốc tế, về tính khoan dung, độ lượng và sức chứa nhỏ nhoi của một nhà nước, mệnh danh là Nhà nước Xã hội Chủ nghĩa, một học thuyết được tự cho là cao cả! Đây là thành quả đầy ý nghĩa, không làm mà được của Bắc Kinh. Họ không mong muốn gì hơn thế, không tốn viên đạn nào, không mang tai tiếng với các nước láng giềng. Nói khác, Việt Nam đã lọt vào bẫy của Bắc Kinh, khi tiến hành đàn áp những yêu sách đòi cải thiện dân chủ của nhân dân. 

2. Những cuộc trấn áp càng dữ dằn bao nhiêu, trong tình hình mà nhà nước đang rơi vào vòng xoáy tham nhũng chưa thấy rõ lối ra, càng làm cho khoảng cách giữa nhân dân và nhà nước càng lớn, quan hệ nhà nước và nhân dân vốn đã mất niềm tin (như Nghị quyết 4 đã khẳng định) lại càng mất niềm tin hơn nữa. Trấn áp có mục đích gây nên sự sợ hãi, thì có sự sợ hãi, nhưng sự sợ hãi đang được tích lũy trở thành sự phẫn nộ. Các cuộc đàn áp nông dân đòi đất, khiếu kiện đông người, và đặc biệt phiên tòa xử các blogger ngày 24-9 vừa qua tại TP HCM, đã bộc lộ thật sự bản chất của hai từ “dân chủ” gượng gạo mà nhà nước vẫn nhân danh, đã bộc lộ sự hằn học không cần thiết qua thái độ và cách hành xử ở các phiên tòa, và qua các ngòi bút tuyên huấn không có tính thuyết phục mà đầy sát khí của đao phủ. Khoảng cách giữa nhân dân và nhà nước càng rộng, càng trúng ý Bắc Kinh. Bởi vì nhân dân thì gắn bó với nhu cầu dân chủ, nhà nước độc tài thì cần sự ủng hộ của ai, nếu không phải là Bắc Kinh vì cùng phe Xã hội Chủ nghĩa, vốn được xem là yếu tố quyết định cho sự chọn lựa hướng đi của đất nước, từng xảy ra ở hội nghị Thành Đô năm 1990. Bắc Kinh không cần dân chủ, họ sẵn sàng thể hiện sức mạnh qua các cuộc đàn áp đẫm máu như Thiên An Môn, các cuộc đàn áp cực kỳ dã man phong trào luyện tập Pháp Luân Công diễn ra liên tục đối với hằng trăm ngàn, hằng triệu công dân Trung Quốc để đạt mộng siêu cường của tập đoàn lãnh đạo. Họ sẽ rất hào phóng tài trợ, dung dưỡng, khuyến khích cho một chính quyền độc đoán nằm trong quỹ đạo của mình. “Sự trỗi dậy” tàn bạo che lấp nhân tính. Họ không mong muốn gì hơn một VN như thế. Đây không phải là điều Đảng CSVN đã từng lo lắng hay sao? Đảng không thể lấy lại niềm tin đã mất của nhân dân từ những phiên tòa cay nghiệt như những đòn thù, từ thái độ căm hờn không cần thiết của lực lượng an ninh, từ những bài viết tuyên huấn với lập luận “đậm đà” quy chụp trên báo Đảng. 

3. Tham nhũng và chống tham nhũng như những đợt sóng triều nối tiếp nhau trên nền một cơ chế thích ứng để sinh sản ra chính nó. Cuộc thanh lọc hàng ngũ, hay đấu tranh phe nhóm, hay chống tham nhũng đang diễn ra, sẽ diễn biến tới đâu, hoặc tắt tị ở đoạn nào đó, nhân dân đang hồi họp chờ xem. Thế lực của các nhóm lợi ích sẽ được khoanh lại và bị khống chế hay đang nở ra theo những ngõ ngách mới? Có ai dám chắc rằng không có bàn tay của Bắc Kinh đang khuấy đảo từ nhiều tư thế? Lối sống của từng đảng viên mà “bạn” còn quan tâm “khuyên ta” (1), huống là chuyện lớn lao quan trọng nầy lại được họ làm ngơ? Dĩ nhiên, Bắc Kinh không bao giờ muốn, và không cho phép một Việt Nam độc lập, có nền kinh tế phát triển phù hợp với quan điểm hội nhập, mà Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã chính thức chuyển thông điệp: muốn phát triển kinh tế phải đi đôi với mở rộng dân chủ. Có dân chủ, có minh bạch mới chống được tham nhũng. Nhưng Bắc Kinh cần một Việt Nam có tham nhũng (họ sẽ tạo điều kiện cho), và cũng cần có chống tham nhũng (họ cũng sẽ tạo điều kiện cho), và cần có đấu tranh lẫn nhau ( họ sẽ làm trọng tài thu xếp cho). Tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của Mao Trạch Đông và đệ tử của y tiếp tục thực hiện, là phải gây cho thiên hạ đại loạn thì mới dễ cai trị. Họ không mong muốn gì hơn thế! 

4. Nội bộ Ban lãnh đạo Việt Nam sẽ không bao giờ được cho phép đoàn kết để có sức mạnh. Đó là ý muốn nghìn đời của Trung Quốc, cũng là ý muốn của Bắc Kinh ngày hôm nay. Nhưng với tầm cao “đại cục” của Bắc Kinh ở thế kỷ 21, họ không chỉ muốn gây “đại loạn” ở một vùng đất Việt Nam địa đầu chiến lược, mà đại loạn toàn vùng Châu Á-Thái Bình Dương, như cả thế giới đều thấy rõ. Các lãnh đạo Việt Nam, từng người một, tức là mỗi người, đều có tiếp xúc “song phương” với “một” tâm điểm Bắc Kinh. Ban lãnh đạo Việt Nam dưới mắt người dân là một “tập hợp mờ”, họ nhìn nhau còn chưa rõ mặt, nói nhau chưa dám trọn câu, vì thế mọi việc trở nên khó hiểu. Luật pháp thì chất chồng, cán bộ thi hành thì đầy “sáng tạo”! 

Với lộ trình hành xử trên đây, Việt Nam ngày càng rời xa hơn với cộng đồng thế giới và càng lùi lại gần hơn nữa với Bắc Kinh. Và như lời Thượng Tướng Nguyễn Chí Vịnh khẳng định là “sinh mệnh chung của hai dân tộc” (2). Chuyện sống chết (sinh mệnh) của mỗi dân tộc là chuyện lớn! Chủ nghĩa Cộng ssarn Quốc tế đã cáo chung từ lâu, ngay khi nó khởi đầu. Còn có lãnh tụ nào dám dồn cục hai đất nước, hai dân tộc lại làm một, trừ sự cống nạp, thôn tính, hoặc xâm lăng và sau đó là đồng hóa?! Điều nầy, cả nghìn năm, Trung Quốc muốn nhưng đã không làm được! 

Tạm gác qua lời nói năng vong mạng của các ông Tướng Tá, như ông Tướng Vịnh, hay ông Tá Hiển (3), phải chăng, bốn động thái đang diễn ra hiện nay đều do ý muốn và có bàn tay tạo dựng của Bắc Kinh? Hay chỉ là sự vận hành tự thân của một nhà nước Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa (4) trùng hợp với quỹ đạo và ý chí của Bắc Kinh? Hay chỉ vì sự đồng dạng của thể chế? Khó lòng để nhận định rằng hai ý nghĩa trên là hoàn toàn tách biệt, vì nó lẫn vào chung trong một hệ tư tưởng đang đóng vai trò sợi xích sắt, niềng hai dân tộc vào một “sinh mệnh chung”? 

Một câu hỏi được đặt ra: Việt Nam bị cưỡng bức hay tự nguyện đi vào quỹ đạo của Bắc Kinh? Hay vừa bị cưỡng bức (bởi nước lớn Trung Quốc), vừa có tự nguyện (vì cùng hệ tư tưởng)? Một câu hỏi tiếp theo: Ai bị cưỡng bức hay toàn dân tộc bị cưỡng bức? Bộ phận nào tự nguyện hay cả dân tộc tự nguyện? Câu hỏi nầy có thể trả lời bằng hai tiếng “không và không!” về phía dân tộc. Không tự nguyện (với bất cứ chủ nghĩa nào có sự khống chế của Trung Quốc) và không chấp nhận sự cưỡng bức (của chủ nghĩa bá quyền nước lớn). Vì Trung Quốc không đáng để sợ đến thế, và không xứng đáng để được tôn trọng như thế. Phần trả lời còn lại thuộc về những người đang có trọng trách. 

Cách mạng Việt Nam, do Đảng CSVN lãnh đạo, đã ra đời và dắt dẫn một giai đoạn lịch sử Việt Nam thực hiện sứ mạng kép với hai phạm trù gắn bó nhau không thể tách rời, là Dân tộc và Dân chủ. Ngày nay, Việt Nam lại đang đứng trước nguy cơ của cả hai vấn đề sanh tử nầy, sau một trăm năm xương máu! Lịch sử Việt Nam sẽ còn tiếp tục dành những giọt nước mắt ray rức về tư tưởng của nhà chí sĩ Phan Châu Trinh, khi chủ trương hòa nhập vào nền văn minh của Pháp đang thống trị, để mưu cầu từ dân chủ tiến bộ mà đi đến độc lập dân tộc, vì ông nhìn thấy trong sự đô hộ đó, có mầm mống của nền văn minh dân chủ. Đó là một tư tưởng mà chưa được thực nghiệm, dù lối đi nầy, nhiều quốc gia Đông Nam Á đã thành tựu cả hai mặt dân tộc và dân chủ (5). Nhưng hoàn cảnh lịch sử nầy đã thuộc về quá khứ. Thời đại ngày nay đã hoàn toàn khác xưa. Nếu theo cách của Phan Châu Trinh, sẽ là sự rồ dại, điên khùng nếu ai đó nghĩ rằng, hãy hòa nhập vào hệ tư tưởng Xã hội Chủ nghĩa Trung Quốc, để từ đó mưu cầu một nền độc lập và văn minh cho mình. Chúng ta đều hãi hùng nhìn thấy những gì đã và đang diễn ra từ nửa thế kỷ qua cho đến mỗi ngày của thời đại hôm nay, ở Nội Mông, Tân Cương, Miến Điện (6), Tây Tạng, Bắc Triều Tiên… Trong vòng tay Trung Quốc, Việt Nam sẽ trở thành một pháo đài, như con quỹ dữ, một loại quái thai, để canh gác Biển Đông cho chúng, và quậy phá nhân loại, nguy hiểm gấp nhiều lần so với Bắc Triều Tiên, để chúng thực hiện giấc mơ “đại cục”của mình. Đây là điều cảnh giác cho nhân loại. 

Ông cha ta chưa từng mơ hồ về Trung Quốc. Phan Châu Trinh chưa từng có ý nghĩ dựa vào Trung Quốc. Hồ Chí Minh đã từng nói, thà “chịu đựng” phương Tây vài năm, còn hơn “chịu đựng” Trung Quốc một nghìn năm (7). 

“Sinh mệnh chung của hai dân tộc” là không thể. Nhưng “sinh mệnh chung của hai Đảng” thì có thể hay không? Ôm hôn kẻ thù và biến được kẻ thù thành bạn chăng? Hay hóa thân vào họ? Tu hành như ông Đạt La Lạt Ma, hay bất cứ ai trên thế gian, cũng chưa làm được điều tương tự. 

Đáng tiếc về những phiên tòa mang tính bạo lực, về những hằn học của cánh an ninh, về những ngòi bút có “ánh thép” của tuyên huấn đối với người dân, dù có chống đối, có tiếng nói khác, nhưng chưa thể nói là kẻ thù.