THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

24 October 2012

Khi đảng viên phạm tội vì nghị quyết



2012-10-23
Tám tháng sau khi Thủ tướng chỉ đạo điều tra vụ án Đoàn Văn Vuơn, bốn lãnh đạo thi hành cưỡng chế và hủy hoại tài sản của gia đình ông Vươn chính thức bị khởi tố.
Photo courtesy of nld.com
Ông Nguyễn Văn Khanh bị cách chức Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng.
Ông Nguyễn Văn Khanh, nguyên phó chủ tịch huyện Tiên Lãng bị tạm giam 4 tháng để điều tra. Gia đình Đoàn Văn Vươn không đồng tình với lệnh khởi tố này vì cho rằng ông Khanh không có chủ trương cưỡng chế ngay từ những ngày đầu tiên. Mặc Lâm tìm hiểu thêm nội dung sau đây.
Thông thường một cán bộ cao cấp khi có sai phạm đối với dân chúng và bị tòa án khởi tố thì chính nạn nhân là người đầu tiên tỏ lòng cảm kích đối với công lý. Trường hợp việc bắt giữ ông Nguyễn Văn Khanh nguyên Phó chủ tịch huyện Tiên Lãng thì lại khác. Gia đình ông Đoàn Văn Vươn không tỏ ra vui mừng ngay cả chính ông Khanh là người dẫn đầu lực lượng cưỡng chế khu đầm và sau đó chứng kiến xe ủi hủy hoại căn nhà hai tầng của nạn nhân.
Sự việc khá bất ngờ với công luận nhưng nếu biết kỹ hơn về diễn tiến câu chuyện thì từ sự bất ngờ này người ta phát hiện thêm một yếu tố khác lớn hơn nhiều, đó là sự đồng lòng của cả một hệ thống trong việc ép buộc ông Khanh phải làm những việc mà ông từng chống đối.

Từ một cuộc họp

Một trong những người biết rõ sự chống đối ấy là ông Vũ Văn Luân, Thư ký kiêm Phó chủ tịch Liên Chi hội nuôi trồng thủy sản Tiên Lãng cho biết chính ông là người chứng kiến cuộc họp quan trọng mà ông Nguyễn Văn Khanh bày tỏ sự chống đối phưong án cưỡng chế đất của gia đình ông Vươn cũng như của những hộ nuôi trồng thủy sản trong huyện. Ông Luân kể:
Nguyên nhân là vào ngày 18 tháng 10 năm 2010 lúc đó ông Khanh là Phó chủ tịch Huyện Tiên Lãng đã mời tôi và anh Vươn lên tại phòng họp số 2 của UBND huyện Tiên Lãng. Hôm đó có ông Phạm Xuân Hoa là trưởng phòng tài nguyên môi trường. Ông Nga, trưởng phòng kế toán, ôgn Khánh chánh văn phòng UBND huyện Tiên Lãng. Trong đó ông Khanh đã tuyên bố rằng ông Khanh không đồng ý về vấn đề cưỡng chế.
Hôm đó ông Khanh kết luận là giao cho phòng Tài nguyên môi trường làm thủ tục giao lại đất theo đề án 30 mà chính phủ đã ban hành. Trình chủ tịch huyện để chấm dứt việc khiếu kiện kéo dài, hai nữa để đảm bảo uy tín của UBND huyện Tiên Lãng đã ký thỏa thuận với đại diện là ông Luân, ông Vươn tại tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng và đồng thời đảm bảo nguồn thu và đảm bảo vấn đề an ninh trật tự.
Sau khi chứng kiến cuộc họp, ông Luân biết là ông Nguyễn Văn Khanh trước sau gì cũng sẽ bị loại ra khỏi cái tập thể ấy vì quyền lợi của nó có nguy cơ bị mất bởi sự chống đối của một đảng viên không nằm chung trong guồng máy tham nhũng:
Khi tuyên bố như thế thì tôi cho rằng ông Khanh sẽ là một nạn nhân về  vụ này vì một mình ông mà dám đứng lên chống lại ý đồ của chính quyền và huyện ủy huyện Tiên Lãng. Lúc ấy chính quyền và huyện ủy Tiên Lãng đã quyết tâm chiếm đất của ông Vuơn cũng như dất của các hộ dân nuôi trồng thủy sản huyện Tiên Lãng cho bằng được.

Đến lưới nghị quyết

image.jpg
Lực lượng cưỡng chế thu hồi đất nhà anh Vươn hôm 05/1/2012. Photo courtesy of phapluat.
Gần hai năm sau khi đưa ra ý kiến chống việc cưỡng chế ông Khanh lại làm cho dân Tiên Lãng và gia đình ông Đoàn Văn Vươn ngạc nhiên khi chính ông là người dẫn đầu lực lượng cưỡng chế. Người dân hiều rằng một mình ông Khanh không thể cưỡng lại được ý muốn của tập thể dù đó là ý muốn bất chính, muốn tịch thu tài sản mồ hôi quá to lớn của gia đình ông Vươn để sử dụng vào việc khác có lợi cho cá nhân của lãnh đạo huyện Tiên Lãng hay ở cấp cao hơn.
Bà Phạm Thị Hiền, vợ của ông Đoàn Văn Quý, em trai và hiện đang bị giam giữ chung với ông Vươn cho biết suy nghĩ của bà và gia đình về việc ông Khanh bị bắt:
Mới đầu ông Khanh không đồng ý về cái quyết định của ông Hiền nhưng trong khối ủy ban ấy thì một mình ông Khanh không thể chống cự lại cả cái hội đồng ấy đuợc vì vậy ông Khanh phải làm. Chúng tôi đã nói rồi, đấy là vì ông Khanh bị ép buộc phải làm thôi. Sau vụ này thì chúng tôi thấy là dù sao thì ông Khanh cũng phải chịu trách nhiệm vì ông đã có mặt trong buổi cưỡng chế ấy và hủy hoại tài sản của gia đình tôi và do đó ông Khanh không tránh khỏi trách nhiệm.
Dưới cái nhìn của ông Vũ Văn Luân thì hình ảnh tham lam của một tập thể đã dùng nghị quyết của huyện Tiên Lãng để làm sức ép khiến ông Khanh phải cúi đầu thi hành điều mà lương tâm con người không thể chấp nhận:
Mới đầu ông Khanh không đồng ý về cái quyết định của ông Hiền nhưng trong khối ủy ban ấy thì một mình ông Khanh không thể chống cự lại cả cái hội đồng ấy đuợc vì vậy ông Khanh phải làm.
Bà Phạm Thị Hiền
Tôi cho rằng ông Khanh không thể tỏ rõ quan điểm cá nhân phải chịu trách nhiệm trước việc này. Đảng Cộng sản Việt Nam đã có 19 điều cấm đảng viên không đuợc làm trong đó có một điều là không được làm trái nghị quyết của đảng. Trong vụ này huyện ủy người ta đã có nghị quyết do đó nếu ông Khanh không thực hiện vai trò trách nhiệm của mình thì ông Khanh sẽ bị kỷ luật về đảng. Đây là một vấn đề nhức nhối làm cho tất cả các đảng viên không chống lại được nghị quyết kể cả biết nghị quyết này là sai trái.
Người ta mang cả ý đồ cá nhân của người ta thao túng tập thể để ban hành nghị quyết, bắt tất cả mọi người phải thực hiện. Ông Khanh phải biết đàng sau ủy ban huyện Tiên Lãng có một thế lực gì đó rất lớn cho nên ông Khanh không thề chống nổi và cá nhân ông Khanh không thề vượt qua được đám này.
Nghị quyết dưới mắt một đảng viên luôn là sự chỉ đạo đứng đắn, tuy nhiên trong trường hợp Tiên Lãng thì nghị quyết được soạn thảo nhằm đảng hóa một hành động vơ vét núp sau danh xưng cưỡng chế và vì vậy ông Khanh không thể thoát ra dù sự trong sáng của ông đựơc nhiều người thừa nhận.

Xử cơ chế hay nghị quyết?

Sau khi im lặng trước sóng gió trung ương 6, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng quay trở lại lời hứa của mình và Hải phòng sau khi chờ đợi tín hiệu xanh đã bắt tay thực hiện chỉ đạo của thủ tướng. Chỉ có điều Hải Phòng vẫn chưa thực hiện rốt ráo nguyện vọng người dân khi các vai chính vẫn ngồi ngoài vòng pháp luật. Ba người cùng bị truy tố với ông Khanh nhưng đều được tại ngoại vì họ chưa bao giờ tỏ ra chống lại ý muốn của tập thể. Bức xúc trước hiện tượng này bà Hiền cho biết:
Tôi thấy một điều bất thường ở chỗ tại sao khởi tố bốn người mà chỉ một mình ông Khanh bị bắt tạm giam còn ba ông kia thì vẫn được tại ngoại? Trong khi cái người ký quyết định cưỡng chế thì chưa ai sờ đến còn người thi hành thì bị bắt như thế.
Ông Vũ Văn Luân thì chỉ hy vọng giúp được cho ông Khanh nếu đựơc tòa cho phép làm chứng những điều mà ông Khanh từng nói.
Tôi sẽ làm chứng vì hôm ấy tôi đã được mời. Những tình tiết đó có thể giảm nhẹ cho ông Khanh nếu như tòa và cơ quan cảnh sát điều tra thấy ông Khanh bị ép buộc bởi cơ chế.
Ông Vũ Văn Luân
Nếu được ra làm chứng thì tôi sẵn sàng ra làm chứng với tư cách cá nhân. Tôi sẽ làm chứng vì hôm ấy tôi đã được mời. Những tình tiết đó có thể giảm nhẹ cho ông Khanh nếu như tòa và cơ quan cảnh sát điều tra thấy ông Khanh bị ép buộc bởi cơ chế.
Tuy nhiên công luận cho rằng ngay cả hy vọng cỏn con này cũng khó thành hiện thực vì tòa án Hải Phòng không thể vạch áo cho người dân xem cái cơ chế mà ông Luân tố cáo. Nếu ông Khanh không bị xử trong vụ hủy hoại tài sản của gia đình ông Vươn thì phải xử cái cơ chế đã buộc ông Khanh phải làm theo nó bằng cái nghị quyết của huyện Tiên Lãng. Mà xử cơ chế thì không lẽ tòa án lại xử chính mình khi chính tòa án cũng nằm trong cái cơ chế có nhiều vấn đề ấy?
Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.