Thứ Bảy, 13/10/2012 22:29
Được đầu tư hơn 7.500 tỉ đồng nhưng suốt 2 năm qua, chưa khi nào đại lộ Thăng Long ngừng hư hỏng, phải sửa chữa, vá víu liên tục
Ngày 8-10, chúng tôi theo chân một tài xế đi dọc đại lộ Thăng Long để tận mắt chứng kiến sự xuống cấp của công trình này. Dù đã thông xe 2 năm nhưng hàng loạt hạng mục quan trọng như cầu vượt cho xe cơ giới, dải phân cách, hầm chui… vẫn chưa hoàn thành. Tại nhiều đoạn, người ngồi trên ô tô cứ nảy từng nhịp theo mức độ lồi lõm.
Dải phân cách trên đại lộ Thăng Long nhiều đoạn bị các phương tiện lưu thông húc đổ
Ảnh: THẾ KHA
Ảnh: THẾ KHA
Liên tục lún nứt
Tài xế Phạm Đức cho biết do có quá nhiều xe tải lưu thông nên chỉ sau một thời gian đưa vào sử dụng, cả hai làn đường nhanh chóng xuất hiện ổ gà. Tại khu vực hầm chui đường sắt (Km 7 + 358), dù đã nhiều lần sửa chữa nhưng vẫn xuất hiện những vết rạn nứt dài hàng chục mét.
Ngay cạnh đó, dải phân cách giữa làn ô tô và xe thô sơ, xe máy đã mất khá nhiều thanh sắt, ốc vít và bị các phương tiện lưu thông húc đổ. Các phương tiện tự do, thoải mái di chuyển sang làn đường của nhau mà không có lực lượng chức năng xử lý. Dọc tuyến đường cỏ dại mọc um tùm. Nhiều cây xanh được trồng từ cách đây 2 năm giờ đã chết khô.
Lộn xộn nhất là dọc hai bên làn đường dành riêng cho xe máy, xe thô sơ chạy qua địa phận các huyện Hoài Đức, Thạch Thất, Quốc Oai. Suốt 2 năm qua, người dân khốn khổ vì hàng chục công trình xây dựng nhà ở dọc tuyến đường này. Xe ben, xe tải chở vật liệu xây dựng, bùn đất chạy rầm rập suốt ngày đêm, vung vãi đất cát. Nhiều khu vực trở thành điểm tập kết phế thải.
Do bố trí hệ thống hầm chui dân sinh qua đại lộ bất hợp lý nên suốt thời gian qua, người dân địa phương cứ vô tư rẽ ngang, rẽ dọc, ngược đường. Vào giờ cao điểm, đường một chiều nhưng luôn có 2 dòng xe qua lại.
Đại lộ Thăng Long đã nhiều lần phải xử lý các vết nứt mặt đường. Theo đại diện chủ đầu tư, do phải thi công trên nhiều đoạn có nền đất yếu nên đã dẫn tới hiện tượng co dãn, trồi sụt không đều giữa các đoạn. Gần đây nhất, Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình (Bộ Xây dựng) đã có văn bản gửi Bộ GTVT nói rõ nguyên nhân lún, nứt mặt đường đại lộ Thăng Long là do tư vấn thiết kế thiếu trách nhiệm giám sát; đơn vị thi công cũng không tính toán kỹ lưỡng nên dẫn đến cảnh nước ngập lênh láng tại các hầm chui dân sinh sau mỗi trận mưa.
Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) cũng đã kiểm tra và phát hiện một loạt sai sót của các đơn vị liên quan trong việc thi công nhưng sau những kiến nghị trên giấy thì đến nay, dù đại lộ khi khánh thành được đánh giá thuộc diện đẹp và hiện đại nhất Việt Nam nhưng vẫn tiếp tục nhếch nhác, xuống cấp.
Nứt nẻ con đường gốm sứ
Dài gần 3.950 m với 21 trường đoạn tái hiện dòng chảy lịch sử Việt Nam, bức tranh gốm sứ ven sông Hồng được coi là một điểm nhấn đặc biệt của dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long và được sách kỷ lục Guinness ghi nhận là bức tranh gốm dài nhất thế giới.
Tuy nhiên, chỉ sau 2 năm hoàn thành, bức tranh ấy đã xuất hiện khá nhiều đoạn rạn nứt. Đoạn ngắn thì vài cm, đoạn dài có khi cả vài mét. Thậm chí ngay khu vực đối diện Bến xe Long Biên có cả vết rạn kéo dài 20-30 m.
Từ khi đưa vào sử dụng đến nay, con đường gốm sứ đã trải qua nhiều lần sửa chữa. Sửa chỗ này thì chỗ khác rạn nứt. Nhiều kỹ sư xây dựng đã bày tỏ băn khoăn khi Hà Nội quyết định phê duyệt đề án, gắn những tấm gốm lên bức tường bê tông chạy dọc đường Trần Quang Khải - Trần Nhật Duật - Yên Phụ vì mùa hè ở Hà Nội nhiệt độ ngoài trời có thể lên tới 40oC.
Khi đó, những tấm bê tông sẽ hấp nhiệt và phả lên bức tường gốm sứ, cộng với tác động của hàng ngàn chiếc xe tải rầm rập lưu thông mỗi ngày sẽ khiến các “tấm áo gốm” có nguy cơ bị tụt, rách. Tại một số vị trí, do bức tường bê tông đã xuống cấp từ trước nên càng ảnh hưởng tới chất lượng vỏ gốm bên ngoài.
Nhiều người dân sống ở đây cho biết do thiếu sự giám sát, quản lý nên con đường gốm sứ dễ nhếch nhác, nhanh hư hỏng. Vào những đêm lạnh, rất nhiều người đã đốt lửa ngay dưới chân cầu, sát bức tường gốm sứ. Hàng trăm lao động tự do ở chợ đầu mối Long Biên luôn chọn khu vực gần con đường gốm sứ làm nơi tiểu tiện. “Trước kia bức tranh sáng đẹp lắm nhưng giờ xấu đi nhiều rồi. Chúng tôi có thấy lực lượng nào nhắc nhở người dân xả rác, tiểu tiện bậy bạ, không đúng chỗ đâu” - bác Tiến (ngụ quận Hoàn Kiếm) bày tỏ.
ÔNG PHẠM SĨ LIÊM, PHÓ CHỦ TỊCH TỔNG HỘI XÂY DỰNG VIỆT NAM:
Phải rõ địa chỉ trách nhiệm
Công trình phục vụ các dịp lễ, kỷ niệm bản thân nó không có hại nhưng đã đưa vào diện đốc thúc hoàn thành thì phải giám sát chặt chẽ. Thường người ta chỉ đến gắn biển chào mừng chứ có theo dõi quá trình thi công, thực hiện đâu. Đây đều là những dự án đầu tư công và được Bộ Kế hoạch - Đầu tư thẩm định, duyệt đầu tiên nhưng họ quên là sau khi hoàn thành phải có tiền bảo hành, sửa chữa thường xuyên mà khoản này do Bộ Tài chính quản lý. Đầu tư mà không cần biết sẽ tốn bao nhiêu tiền mỗi năm để vận hành thì sẽ nảy sinh nhiều chuyện. Bất kể công trình nào chứ không riêng công trình chào mừng đại lễ, nếu hư hỏng, thất thoát thì phải truy cứu trách nhiệm, không thể nói chung chung. Trách nhiệm cao nhất thuộc về chủ dự án và phải rõ người nào chịu trách nhiệm tới việc đó.
|
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 13-10
ĐỖ DU