THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

28 August 2012

Vụ “bầu” Kiên: Lúng túng toàn hệ thống



2012-08-27
Những phản ứng hốt hoảng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian qua cho thấy, các Bộ ngành hữu quan không luờng trước vụ bắt giữ “bầu” Kiên lại tác động tiêu cực đến vậy.
AFP photo
Người dân đến rút tiền tại một điểm giao dịch của ngân hàng ACB ở Hà Nội hôm 23/8/2012.
Nam Nguyên phỏng vấn Giáo sư Tiến sĩ Vũ Văn Hóa, phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội về một số hệ lụy của vụ bê bối tài chính này.

Làm chậm tiến trình cải cách?

Nam Nguyên: Thưa Giáo sư Vũ Văn Hóa, mấy ngày qua báo chí quốc tế cho rằng những cú sốc như vụ Bầu Kiên sẽ làm trì chậm hơn nữa tiến trình cải cách ở Việt Nam. Ý kiến Giáo sư về vấn đề này?

Ngân hàng Nhà nước mặc dù có biết nhưng không phải là biết từ trước, cho nên việc đưa ra các giải pháp còn lúng túng.
GS Vũ Văn Hóa
GS Vũ Văn Hóa: Tôi cho rằng nó cũng có ảnh hưởng nhưng không đến nỗi làm chậm lại cả một tiến trình. Thực ra trong nền kinh tế nào cũng có những hiện tượng như vậy, dù ở Nga ở Mỹ hay ở các nước khác cũng đều có những vụ việc như vậy. Thật ra trong quá trình tiến lên đổi mới của một đất nước như Việt Nam, có thể tạm gọi đó là những hạt sạn, nó có ảnh hưởng nhưng nó không phải là cái quyết định làm chậm lại quá trình phát triển cũng như quá trình hiện đại hóa của đất nước.
Nam Nguyên: Thông tin cho thấy, thị trường chứng khoán mất gần 6 tỷ USD giá trị vốn hóa trong vòng 3 ngày, do vụ bắt giam nhà tài phiệt Nguyễn Đức Kiên. Giáo sư đánh giá thế nào đối với cách thức Ngân Hàng Nhà nước đối phó với vụ việc?
GS Vũ Văn Hóa: Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bước đầu có sự lúng túng, theo tôi Ngân hàng Nhà nước mặc dù có biết nhưng không phải là biết từ trước, cho nên việc đưa ra các giải pháp còn lúng túng. Đương nhiên là phải giữ ổn định cho hệ thống, sau đó NHNN kiên quyết có những biện pháp tích cực hỗ trợ cho ACB Ngân hàng Thương mại Á châu để nó có thể giữ vững lòng tin của khách hàng và làm cho hệ thống ổn định thì tôi cho rằng đó là một giải pháp tích cực.
Nam Nguyên: Thưa, tin bắt ông bầu Kiên loan nhanh nhưng không đầy đủ, thiếu những nội dung liên quan đến việc ông Kiên phạm pháp như thế nào? Dùng tiền vay dự án mua ngược lại cổ phiếu ngân hàng như thế nào… Chính sự thiếu thông tin minh bạch đã làm nhà đầu tư chứng khoán hoảng loạn. Giáo sư nhận định gì?
GS Vũ Văn Hóa: Tôi cho rằng, trong hệ thống thông tin chính thức cũng như bên ngoài xã hội cũng đã nói đến vấn đề này chứ cũng không có vấn đề giấu diếm. Đương nhiên việc này đã xảy ra trong một quá trình, nhưng việc theo dõi và ngăn chặn thì tôi cho là không kịp thời.
kien250.jpg
Ông Nguyễn Đức Kiên phát biểu tại một sự kiện bóng đá ở Hà Nội vào ngày 16 tháng 2 năm 2012. AFP photo.
Sau khi bầu Kiên bị bắt rồi, tất cả thông tin đưa lên mạng trong nước cũng như quốc tế tôi cho là minh bạch. Trên mạng Internet của Việt Nam, người ta đã chỉ rõ: tức là lập một công ty sau đó phát hành cổ phiếu ra, dùng cái đó để thế chấp vay vốn ngân hàng rồi lại dùng chính tiền đó để mua chính cổ phiếu của ngân hàng. Tôi cho đó là một quá trình kinh doanh bất hợp pháp, cái đó đáng lý ra phải được ngăn chặn từ trước và đã không làm một cách kịp thời. Cho nên đã xảy ra tình trạng dùng vốn của người khác mà kinh doanh, theo tôi ngân hàng đã mất số vốn đó, nếu tài sản của bầu Kiên mất đi thì chính ngân hàng đã mất một số vốn không nhỏ.
Nam Nguyên: Nhưng đã không có nói rõ ra là bầu kiên đã sử dụng bao nhiều tiền vay các dự án để mua cổ phiếu, không có thông tin về vấn đề đó và chính vì vậy người ta cho là quá lớn cho nên mới hoảng loạn?
GS Vũ Văn Hóa: Vâng điều này thì đúng rồi! Số liệu cụ thể thực tế bao nhiêu tỷ đồng hay bao nhiêu triệu đô la thì cái đó chưa được nêu một cách cụ thể.

Chính quyền chủ quan?

Nam Nguyên: Dạ, như vậy thì các bộ ngành liên quan và cả Ngân hàng Nhà nước có thể đã không đánh giá đúng phản ứng của người gởi tiền ngân hàng cũng như của thị trường tài chính, thị trường chứng khoán?

Vấn đề này có thể đánh giá là chủ quan, cho nên là không lường hết được những hiện trạng kinh doanh ngầm ở trong nền kinh tế có hại tới nền kinh tế Nhà nước.
GS Vũ Văn Hóa
GS Vũ Văn Hóa: Có lẽ là như vậy, thời gian đầu họ đã hơi chủ quan. Tôi cho rằng trong thời gian đầu Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính và ngay cả Bộ Kế hoạch Đầu tư thiếu thông tin. Hoặc vấn đề này có thể đánh giá là chủ quan, cho nên là không lường hết được những hiện trạng kinh doanh ngầm ở trong nền kinh tế có hại tới nền kinh tế Nhà nước.
Nam Nguyên: Một điều mà chuyên gia trong ngoài nước luôn than phiền, đó là thông tin về hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam chưa theo chuẩn mực chung của thế giới, đặc biệt là thiếu công khai minh bạch. Giáo sư nhận định gì?
GS Vũ Văn Hóa: Cũng không đến nỗi thiếu minh bạch, tôi cho rằng những tiêu chí đặt ra đối với ngân hàng của các nước phát triển thì đầy đủ hơn. Nhưng hệ thống ngân hàng ở Việt Nam thì chưa được đầy đủ. Chưa hẳn là không minh bạch nhưng là chưa thực hiện đúng các tiêu chí của các ngân hàng trên thế giới phát triển. Việc này sẽ phải thực hiện dần dần từng bước và phải một thời gian  nữa mới thực hiện được đầy đủ.
Nam Nguyên: Thưa tiến trình cải cách thể chế ở Việt Nam nói chung, sẽ có những thay đổi kịp thời?
GS Vũ Văn Hóa: Bước tiến theo lộ trình thì là phải tiến tới như vậy, nhưng mà không thể trong một thời gian ngắn được, nó còn cần một quá trình và quá trình đó tùy thuộc vào bước tiến của chính phủ. Nếu bước tiến của chính phủ mà làm tốt, mà quyết tâm, thì thời gian sẽ ngắn đi. Còn nếu trì trệ thì tôi cũng không biết thời gian là bao lâu, cũng có thể có tiến bộ nhưng nó không nhanh được.
Nam Nguyên : Cảm ơn Giáo sư Tiến sĩ Vũ Văn Hóa về thời gian dành cho Đài chúng tôi.

Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.