THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

17 April 2012

Việt Nam trong nền kinh tế chuyển đổi


Kết quả khảo sát mới nhất từ cho thấy nhiều người Việt ủng hộ nền kinh tế thị trường nhưng lại muốn chính phủ định giá những mặt hàng thiết yếu. Liệu có gì nghịch lý trong quan điểm này, và khái niệm kinh tế thị trường có được hiểu thấu đáo trong bối cảnh Việt Nam hiện tại?

AFP photo

Người kiếm bạc trăm bên những đầu tư bạc tỷ


Sáng thứ sáu ngày 13 vừa qua,  Phòng Thương Mại Và Công Nghiệp Việt Nam, gọi tắt VCCI, phối hợp cùng Ngân Hàng Thế Giới World Bank và tòa đại sứ Ireland ở Hà Nội, công bố kết qua cuộc khảo sát CAMS 2011: chữ tắt của "Việt Nam Chuyển Đổi- Cảm Nhận Về Nhà Nước Và Thị Trường Năm 2011", cho thấy 87% số người được hỏi đã trả lời kinh tế thị trường là ưu việt, và chỉ 7% ủng hộ mô hình kinh tế nhà nước. 

Mặt khác thì đa số, khoảng 68%, cho rằng vấn đề giá cả, một trong những yếu tố quan trọng của nền kinh tế thị trường, cần để nhà nước can thiệp và quyết định, nhất là những mặt hàng thiết yếu.    

Cửa hàng thịt trong chợ Bến Thành- AFP photo
Cửa hàng thịt trong chợ Bến Thành- AFP photo

Có mặt đúng vào lúc kết quả được công bố, tiến sĩ Vũ Đình Ánh, chuyên gia hàng đầu về nghiên cứu thị trường và giá cả ở Việt Nam, nhận định không có gì mâu thuẫn hay trái ngược khi một mặt thiên về kinh tế thị trường mặt khác muốn chính phủ định hướng giá cả trên thị trường đó: 

"Sáng nay tôi có ở đó, tôi cho rằng kết quả khảo sát chỉ để tham khảo thôi bởi vì thực ra thì rất khó có thể đưa đến kết luận chính xác. Đó là khẳng định đầu tiên và tôi cho rằng kết quả nói người Việt Nam thích thị trường nhưng vẫn thích kiểm soát giá không có sức thuyết phục như một nhận định chính thức. 

Tại sao thích kinh tế thị trường nhưng lại muốn kiểm soát giá thì ở đây có hai ý. Thứ nhất kinh tế thị trường căn cứ trên việc giá cả dựa trên các vận động của qui luật thị trường, nói cách khác là theo cơ chế thị trường. Đại đa số hàng hóa một khi có thị trường thì người Việt Nam vẫn thích để nó vận hành theo các qui luật của cơ chế thị trường. Tôi đơn cử như theo qui luật về cạnh tranh, qui luật về giá trị hay qui luật về cung cầu, tức là những qui luật mà nó chi phối thị trường. 

Thế còn về khía cạnh kiểm soát giá thì ý ở đây là những sản phẩm hay dịch vụ mang tính độc quyền nhà nước. Tôi đơn cử thí dụ như điện, nước sinh hoạt hay xăng dầu và không ít những dịch vụ khác nữa. Đối với những loại mang tính độc quyền nhà nước hay một số doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường, thì người dân vẫn muốn nhà nước kiểm soát giá của những nhóm hàng hoá này để tránh việc biến cái độc quyền nhà nước, độc quyền doanh nghiệp. Nói cách khác, những doanh nghiệp giữ vị thế độc quyền hay có vị trí thống lĩnh thị trường họ tự quyết định giá. Trong trường hợp như thế sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của đại đa số người tiêu dùng, tức những người trả lời cuộc khảo sát vừa rồi của VCCI cũng như bên Ngân Hàng Thế Giới và đại sứ quán Ireland tại Việt Nam. Đấy là cái tôi cho là nguồn gốc của câu chuyện và không có gì mâu thuẫn ở đây cả."

Dưới cái nhìn của một chuyên gia kinh tế độc lập, bà Phạm Chi Lan, cựu phó chủ tịch Phòng Thương Mại Và Công Nghiệp Hà Nội, không ngạc nhiên khi người tiêu thụ ủng hộ kinh tế thị trường, nhưng vẫn muốn chính phủ can thiệp và quyết định giá cả. Đó không chỉ là  một cảm nhận chung chung, bà phân tích, vì nó phát xuất từ trải nghiệm thực tế của những người từng sống trong nền kinh tế tập trung trước đây, một nền kinh tế lâm tình trạng hết sức khó khăn, thậm chí là khủng hoảng nặng nề trước khi tiến hành cải cách:

"Từ khi cải cách kinh tế hai mươi lăm năm trước đây thì rõ ràng Việt Nam phát triển theo kinh tế thị trường vì càng ngày càng được cải thiện hơn, đời sống mọi người được nâng cao. Vì thế cho nên sự ủng hộ nền kinh tế thị trường đối với chúng tôi không lạ. 

Tuy nhiên ủng hộ thị trường nhưng vẫn mong muốn nhà nước can thiệp vào giá cả thì nó dường như là một nghịch lý. Bởi vì kinh tế thị trường thì lẽ ra giá cả phải ít nhiều được quyết định chủ yếu bởi quan hệ cung cầu trên thị trường và do cạnh tranh mà mang lại lợi ích cho người tiêu dùng về mặt giá cả." 

Từ điểm này dẫn tới sự kiện đa số thích kinh tế thị trường nhưng vẫn mong nhà nước định đoạt giá cả, bà Phạm Chi Lan có những nhận xét tương đồng với chuyên gia giá cả thị

Ngân hàng đang nhận tiền  gởi- AFP photo
Ngân hàng đang nhận tiền gởi- AFP photo
trường Vũ Đình Ánh:  

"Tôi rằng có lẽ chủ yếu nền kinh tế Việt Nam vẫn là nền kinh tế đang chuyển đổi, nghĩa là chưa có cơ chế thị trường đầy đủ, và vai trò của nhà nước vẫn còn rất lớn. 

Đặc biệt có thể thấy là giá những mặt hàng quan trọng nhất, từ đó ảnh hưởng toàn bộ tới kinh tế cũng như cuộc sống của từng người dân, là những mặt hàng hiện nay vẫn thuộc doanh nghiệp nhà nước hoặc độc quyền hoặc chi phối về giá cả, rõ nét nhất là điện và xăng dầu. Đây là hai mặt hàng mà mỗi lần có sự điều chỉnh giá cả hàng năm thì coi như có tranh cãi sôi nổi nhất trong công luận cũng như trên báo chí. 

Người dân mong muốn nhà nước can thiệp bởi vì ngại nếu để cho các công ty độc quyền hoặc chi phối thị trường thì họ chỉ lo cho lợi ích của họ và sẽ ảnh hưởng tới lợi ích của các ngành kinh tế khác. 

Tất nhiên ở Việt Nam cũng có không ít một số mặt hàng khác mà do thị trường quyết định chứ không do nhà nước chi phối. Nhà nước chỉ nắm một số mặt hàng lớn nhất quan trọng nhất thôi. Những mặt hàng do thị trường chi phối mà đôi khi giá cả của nó tăng cũng làm xôn xao công luận. Chính từ đó thì xã hội cũng mong muốn nhà nước phải có sự can thiệp." 

Ví dụ giá sữa, chuyên gia Phạm Chi Lan đơn cử, một mặt hàng có khá nhiều sự canh tranh ở Việt Nam hiện nay với nhiều doanh nghiệp khác nhau cùng tham gia kể cả đầu tư nước ngoài. Ví dụ thứ hai là dược phẩm, cũng nằm trong tay các công ty dược lớn trên thế giới:

"Nhất là những loại coi như "biệt dược" có giá trị và rất đắt trên thị trường, Việt Nam không sản xuất được mà thường phải nhập khẩu.Giá dược phẩm và giá sữa cũng là hai mặt hàng thường hay có biến động. 

Biến động của nó nhiều khi bất lợi cho người tiêu dùng nhưng vẫn theo hướng lợi ích cho các công ty nhiều hơn. Đây không phải hai nhóm hàng do doanh nghiệp nhà nước chi phối thị trường mà là do các doanh nghiệp thị trường chi phối và thỏa thuận với nhau. Vì thế người dân vẫn mong muốn nhà nước có sự can thiệp, kiểm soát giá thành nhập khẩu của các doanh nghiệp, không để nhập khẩu một đàng mà bán với giá ở Việt Nam quá cao so với các nước chung quanh."

Tại buổi công bố kết quả khảo sát sáng thứ sáu, hầu hết các chuyên gia kinh tế đều cho là cần phải xác định rõ những tiêu chí của kinh tế thị trường trong giai đoạn tập trung chuyển đổi này. Số liệu khảo sát cho thấy chỉ 25% cho rằng kinh tế Việt Nam hiện nay là kinh tế thị trường, 22% nói đây là nền kinh tế nhà nước . Con theo bà Phạm Chi Lan, rõ ràng có sự lúng túng do dự khi phải phân biệt rạch ròi giữa kinh tế thị trường và kinh tế nhà nước:

"Cả hai đều nhận được những câu trả lời với mức độ tương tự nhau, và một số rất lớn nữa trả lời không thật rõ là kinh tế nhà nước hay kinh tế thị trường. Rõ ràng tình hình kinh tế Việt Nam hiện nay chưa hẳn là kinh tế thị trường nhưng cũng đã qua nền kinh tế chỉ huy hoàn toàn như trước đây. Vai trò của nhà nước còn rất lớn nhưng không hoàn toàn như trước đây. 

Vì vậy tôi mới bình luận rằng đây là tình trạng tranh tối tranh sáng, nghĩa là đã chuyển sang kinh tế thị trường được một thời gian rồi nhưng kinh tế thị trường chưa hoàn toàn xuất hiện đầy đủ ở Việt Nam. 

Việt Nam thường tuyên bố là "kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa", thế thì phần định hướng xã hội chủ nghĩa và cái vai trò của nhà nước cũng còn rất lớn, những bóng dáng nhất định của kinh tế kế hoâch hoá tập trung vẫn còn tồn tại trong xã hội chứ chưa biến hẳn đi. 

Tình trạng này nếu giải thích như nhiều nước thì Việt Nam đang ở trong nền kinh tế chuyển đổi, và vì đang chuyển đổi cho nên nó còn cả hai loại hình hai cơ chế kinh tế còn tồn tại. 

Chỉ khi nào Việt Nam chuyển hẳn sang nền kinh tế thị trường thì lúc bấy giờ tỷ lệ đi theo kinh tế thị trường sẽ lớn hơn sẽ vượt lên hơn" 

Một góc khu chợ bình dân- RFA photo
Một góc khu chợ bình dân- RFA photo

Tưởng cần biết cuộc khảo sát CAMS2011 được thực hiện căn bản từ những câu trả lời ngẫu nhiên và đơn giản với 97% đối tượng được hỏi là người Việt Nam và 3% là người nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam. 

Sau mười hai năm thương thảo để gia nhập WTO, Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới, mà điều kiện tiên quyết là phải tiến đến nền kinh tế thị trường, năm 2006 Việt Nam chính thức trở thành hội viên của định chế thương mại quốc tế này. 

Tuy nhiên đối với WTO Việt Nam vẫn ở trong cơ chế NME, Non Market Economy, một quốc gia chưa có một nền kinh tế thị trường hẳn hoi. 
Như vậy, theo nguyên tắc đã ký, Việt Nam chỉ còn sáu năm nữa, tức đến 2018, để hoàn toàn bước hẳn sang nền kinh tế thị trường theo đúng tư cách thành viên Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới.