THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

02 September 2011

Xanh lại dòng kênh Nhiêu Lộc !

Thứ Năm, 01/09/2011 22:11

Kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè sẽ là “dòng kênh xanh” vì không tiếp nhận nước thải từ các cống trên lưu vực chảy đến

Sau nhiều nỗ lực, dự án vệ sinh môi trường TPHCM lưu vực Nhiêu Lộc – Thị Nghè đã gần về đích khi tiến độ dự án đạt 98%. Các nhà thầu đang gấp rút hoàn thành những phần việc cuối cùng để cuối năm 2011, dự án phát huy được công dụng giải quyết tình trạng ngập úng cho 7 quận, gồm: quận 1, 3, 10, Phú Nhuận, Tân Bình, Bình Thạnh, Gò Vấp.
Khẩn trương đào những mét đường cuối cùng
Chỉ còn 4 tháng nữa, toàn bộ “lô cốt” của dự án vệ sinh môi trường TP lưu vực Nhiêu Lộc – Thị Nghè sẽ biến mất, trả lại sự thông thoáng cho đường sá như trước đây. Những “lô cốt” cuối cùng đang án ngữ trên 3 tuyến đường Bùi Hữu Nghĩa, Nguyễn Trọng Tuyển và Nguyễn Kiệm. Dự án chỉ còn 2.649 m cống phải lắp đặt, chiếm 2% so với khối lượng của toàn dự án.
Tiến độ thấp nhất hiện nay thuộc về gói thầu cải tạo hệ thống cống cấp 2, cấp 3 hiện hữu (67%). Theo cam kết, gói thầu này sẽ hoàn thành vào tháng 12-2011. Các phụ lục hợp đồng của gói thầu thay thế và mở rộng cống cấp 2, 3 khu vực Đông Bắc 1, Đông Nam 1, Đông Nam 2 đều hoàn thành trong tháng 9-2011. 
Quang cảnh dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè dần khang trang hơn, dòng nước đen sẽ từ từ xanh lại. Ảnh: TẤN THẠNH
Có thể nói, thành quả dễ thấy nhất của dự án này nằm ở kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè. Hàng cừ dọc kênh được đóng xuống đều tăm tắp, làm sáng diện mạo dòng kênh. Theo Ban Quản lý dự án, tiến độ của các gói thầu 10B (gia cố đất), 10C (nạo vét kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè), 10D (giao diện giữa bờ kè và mố cầu) và 10E (lắp lan can, hệ thống chiếu sáng, cây xanh dọc kênh) đang tiến triển rất tốt, dự kiến hoàn thành đồng bộ vào tháng 12-2011. Các khó khăn phát sinh cũng sẽ được các bên liên quan gấp rút giải quyết, không để tiến độ dự án kéo dài hơn nữa.
Phủ xanh dòng kênh
Việc cải tạo đường ven kênh (Trường Sa – Hoàng Sa) lên thành 16 m của Khu Quản lý Giao thông Đô thị số 1 (khu 1) góp phần quan trọng vào việc nâng cao mỹ quan kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè và giảm ùn tắc giao thông cho khu vực này. Đến nay, nhiều đoạn đường ven kênh đã tinh tươm hơn, dần vắng đi cảnh bụi mù, lởm chởm đất đá như cách đây vài tháng.
Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè sẽ dần lấy lại màu xanh vốn có Ảnh: TẤN THẠNH
Ông Ngô Bá An, Phó Giám đốc khu 1, cho biết đường ven kênh đoạn từ hợp lưu đến cầu Lê Văn Sỹ sẽ hoàn tất trước ngày 22-12 theo chỉ đạo của UBND TP. Đối với đường ven kênh đoạn từ cầu Lê Văn Sỹ đến cầu Nguyễn Hữu Cảnh, khu 1 khởi công đoạn này chậm nhất là tháng 12-2011.
Hiện tại, khu 1 cũng đang tiến hành trồng các loại cây xanh như long não, sò đo cam trên đường ven kênh, làm xanh lại dòng kênh vốn đã đổi màu. Riêng việc trồng cây xanh ở đoạn từ cầu Lê Văn Sỹ đến cầu Nguyễn Hữu Cảnh, Ban Quản lý dự án vệ sinh môi trường TP lưu vực Nhiêu Lộc – Thị Nghè sẽ tiến hành vào giữa tháng 9-2011.
Trong tương lai, toàn bộ nước thải và một phần nước mưa trong phạm vi lưu vực Nhiêu Lộc – Thị Nghè sẽ thoát bằng tuyến cống bao, đưa về trạm bơm có thiết bị lược rác. Nước thải sẽ được bơm ra sông Sài Gòn qua miệng xả ngầm bằng 12 máy bơm chìm có công suất 64.000 m3/giờ. Như vậy, kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè không bao lâu nữa sẽ là “dòng kênh xanh” vì không tiếp nhận nước thải từ các cống trên lưu vực chảy đến. Trong giai đoạn 2, nước thải từ lưu vực này mới được xử lý tại Nhà máy Xử lý nước thải Nhiêu Lộc – Thị Nghè ở quận 2.
Môi trường sống được cải thiện
Mục tiêu của dự án vệ sinh môi trường TP lưu vực Nhiêu Lộc – Thị Nghè là bảo đảm nhu cầu thoát nước nhằm giải quyết tình trạng ngập úng trên lưu vực, chuẩn bị cho việc xử lý nước thải, chống ô nhiễm dòng kênh và góp phần chỉnh trang dòng kênh, cải thiện môi trường sống.
Tổng vốn đầu tư dự án là 316,79 triệu USD, trong đó có 293,94 triệu USD từ nguồn vốn ODA của Ngân hàng Thế giới, phần còn lại là vốn đối ứng của TP. Dự án được khởi động từ năm 2002, đến ngày 31-12-2011, hiệp định tín dụng của dự án này sẽ hết hạn.
ÁNH NGUYỆT